Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Mở về cơ chế, rõ về trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện

- Thứ Ba, 21/05/2019, 07:56 - Chia sẻ
Sáng nay, 21.5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ NGUYỄN THỊ MAI HOA, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT trên nguyên tắc chung là mở về cơ chế, rõ về trách nhiệm, linh hoạt trong lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là công tác tuyên truyền phải tích cực và thực thi pháp luật phải nghiêm.

Cơ bản đáp ứng yêu cầu

- Là người theo sát quá trình tiếp thu, chỉnh sửa dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), bà đánh giá thế nào về dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy này?

- Đây là một trong số ít dự án Luật được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Điều này cho thấy sự cẩn trọng của Quốc hội đối với một dự án luật có tầm quan trọng và tác động rộng rãi tới đông đảo người dân. Thông qua lượng ý kiến góp ý rất phong phú của các Đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và người dân cho thấy xã hội đang kỳ vọng việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn. Điều này thực sự tạo áp lực cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra; đòi hỏi phải lắng nghe nhiều chiều, cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng đối với các quy định sửa đổi hoặc bổ sung.


Ảnh: Thái Bình

Đến thời điểm này, có thể khẳng định bản dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, đã rõ cơ chế phân luồng và liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; nâng chuẩn trình độ cùng với việc quy định rõ quyền, trách nhiệm của nhà giáo; vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông…

Tuy nhiên, cũng chưa thể nói là hoàn toàn hài lòng với dự thảo Luật, vì thực sự vẫn còn một số vấn đề thực tiễn đặt ra mà chưa thể giải quyết thấu đáo trong lần sửa luật này.

- Sau Kỳ họp thứ Sáu, theo đề nghị của UBTVQH, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề nổi bật của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Bà thấy việc tiếp thu, cụ thể hóa kết quả lấy ý kiến nhân dân trong dự thảo Luật như thế nào?

- Việc UBTVQH đề nghị Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là một yêu cầu bổ sung, xuất phát từ tính chất đặc biệt của Luật này, bởi vì giáo dục liên quan trực tiếp tới từng người, từng gia đình, cộng đồng. Quy mô, cách thức lấy ý kiến nhân dân là do Chính phủ quyết định. Về cơ bản, các nội dung góp ý đã được Chính phủ tổng hợp, báo cáo UBTVQH; đồng thời được nghiên cứu, cân nhắc, tiếp thu trong dự thảo Luật về những vấn đề cơ bản, có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Như quy định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước đối với đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục phổ cập; quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người dạy, người học với những, chính sách giáo dục hòa nhập; quy định rõ hơn về quyền tự chủ và dân chủ cho trường phổ thông công lập…

Điều đáng tiếc là trong điều kiện thời gian ngắn, việc lấy ý kiến nhân dân cũng chỉ thực hiện trong một phạm vi nhất định; có những kiến nghị rất thiết thực như chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông, chính sách phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, chính sách lương nhà giáo… nhưng do chưa kịp đánh giá tác động nên không thể quy định trong lần sửa đổi này. Tuy nhiên, sẽ là gợi mở để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh ở các luật khác liên quan.

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

- Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) thu hút sự quan tâm của xã hội, với kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm tính pháp lý trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Theo bà, các quy định trong dự thảo Luật liệu có đáp ứng được kỳ vọng trên không?

- Đây là mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này. Và thực sự, những nội dung sửa đổi cũng xoay quanh trục chính là hoàn thiện hành lang pháp lý cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT trên nguyên tắc chung là mở về cơ chế, rõ về trách nhiệm, linh hoạt trong lộ trình thực hiện.

Tuy nhiên, không thể kỳ vọng là chỉ với việc sửa đổi luật lần này là có thể tháo gỡ hết những vấn đề mà thực tiễn đã và đang đặt ra. Vì vậy, để tạo sự linh hoạt cho triển khai thực hiện Luật Giáo dục trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, một số nội dung Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc chung, như cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, chuyển đổi giữa các loại hình trường, sáp nhập cơ sở giáo dục theo mô hình trường liên cấp… Một số chính sách mới cần có sự cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước như miễn học phí cho học sinh THCS và trẻ mầm non 5 tuổi, nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện để bảo đảm khả thi.

- Với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cấp thiết như gian lận thi cử, bạo lực học đường… có được điều chỉnh trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này không, thưa bà?

- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh là một trong những yêu cầu cấp thiết, và đã được nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình sửa đổi luật lần này. Cụ thể, Dự thảo Luật làm rõ hơn quyền của người học và trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội đối với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; đồng thời tập hợp những hành vi nhà giáo và người học không được làm thành một điều quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học; bổ sung việc ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo vào nội dung quản lý nhà nước về giáo dục.

Như vậy, hành lang pháp lý cơ bản được hoàn thiện, nhưng điều quan trọng hơn là công tác tuyên truyền phải tích cực và thực thi pháp luật phải nghiêm thì mới mong thực hiện được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyên Anh thực hiện