Italy:

Mở tài khoản mạng xã hội phải xuất trình thẻ căn cước?

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:56 - Chia sẻ
Italy đang tranh luận về việc yêu cầu công dân phải xuất trình thẻ căn cước trước khi họ có thể mở tài khoản trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn phát ngôn thù hận và tin tức giả mạo.

Luật mới sẽ giúp việc theo dõi các bài do cá nhân đăng lên mạng xã hội dễ dàng hơn, cho dù người viết có thể sử dụng bút danh. Thông tin cá nhân chỉ được lưu trong hồ sơ. Theo nghị sĩ Luigi Marattin thuộc đảng Italia Viva của cựu Thủ tướng Matteo Renzi, các cuộc tranh luận chính trị đang trở nên méo mó trên internet. Vì vậy, đưa ra một đạo luật quản lý vấn đề này sẽ tránh cho không gian mạng bị “ô nhiễm”. Trong một bài đăng trên tờ La Repubblica, ông Luigi viết, quyền ẩn danh phải được bảo đảm nhưng cần cân nhắc để bảo đảm lợi ích chung. Ông cho rằng, không gian mạng cần được bảo vệ như là một nơi mà bất cứ ai cũng có thể bị triệu tập đến để trả lời về những gì họ viết trên đó.

Chủ đề dễ gây tranh cãi này đương nhiên vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Những người chỉ trích cho rằng, trên thực tế, hầu như các nhà chức trách đều có thể xác định được danh tính của người đăng trên mạng xã hội bằng cách truy tìm địa chỉ IP. Vì vậy, mọi người phải có quyền ẩn danh.

Hầu hết các quốc gia EU hiện đều đã có hệ thống căn cước (ID). Ở Italy, bản thân thẻ ID không bị bắt buộc, nhưng người dân phải có khả năng chứng minh danh tính nếu bị cảnh sát hỏi. Trên thực tế, không chỉ Italy đi theo hướng đi này. Ở Vương quốc Anh, nhiều người cũng đang kêu gọi xây dựng luật cấm các tài khoản ẩn danh. Tháng trước, nghị sĩ Anh Ian Austin đã yêu cầu Chính phủ xem xét đưa ra luật ngăn chặn các cá nhân mở hồ sơ ẩn danh trên Twitter. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Anh Matt Warman trả lời: Các công ty trên mạng phải chịu trách nhiệm khắc phục hành vi lạm dụng dịch vụ của họ bằng cách thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế người dùng ẩn danh có ý đồ xấu.

Ẩn danh trực tuyến là một nguyên tắc quan trọng của internet mở và miễn phí. Có khá nhiều lý do chính đáng để giải thích cho việc nhiều cá nhân không muốn người khác biết mình đang hoạt động online. Chẳng hạn, ẩn danh để bảo vệ những người tố giác, nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại hay nạn nhân bị lạm dụng tình dục… Trên toàn cầu, vấn đề ẩn danh được các nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tin giả và độc hại đang lan tràn internet, hướng đi của Italy và Anh chắc chắn sẽ được nhiều nước ủng hộ. Trên thực tế, Ủy ban châu Âu mới đây đã cảnh báo, các mạng xã hội như Twitter và Facebook phải hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch hoặc phải đối mặt với một loạt quy định mới.

Ngọc Minh