10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội

Mở rộng nhưng phải chặt chẽ và khả thi

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:19 - Chia sẻ
10 năm kể từ khi QH Khóa XII ban hành Nghị quyết số 18 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, những kết quả đạt được là rất tốt và rất phong phú. Trong đó, hai chính sách xã hội hóa và tự chủ đã đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển của ngành y tế nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Tuy nhiên, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cảnh báo tình trạng “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ”, nơi dè dặt không dám làm, nơi lại vượt rào, rất dễ vi phạm pháp luật...

Chưa bao giờ được đầu tư lớn như 10 năm qua

Sau khi QH ban hành Nghị quyết số 18, Chính phủ đã ưu tiên ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trái phiếu Chính phủ, nguồn thu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu xổ số kiến thiết, cùng với vốn ngân sách địa phương để có bước đầu tư đột phá cho y tế, như xây mới, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện, từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế... Đến nay, đã có một số bệnh viện hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. “Đây là một chủ trương đầu tư hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được nhân dân và quốc tế đánh giá cao. Chưa bao giờ ngành y tế được đầu tư với quy mô lớn như 10 năm qua”, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong báo cáo gửi đến phiên họp toàn thể vừa qua của Ủy ban Về các vấn đề xã hội.


Ủy ban Về các vấn đề xã hội giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội Ảnh: P. Thúy

Số liệu tổng hợp của Bộ Y tế cho thấy, đến năm 2018, cả nước đã có 240 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 1.250 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 531 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Số liệu thống kê tại 55/63 tỉnh, thành phố thì riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, chi ngân sách nhà nước đã giảm được 14.688 tỷ đồng, trong đó, các tỉnh, thành phố có số giảm chi nhiều như TP Hồ Chí Minh khoảng 1.320 tỷ đồng, Hà Nội khoảng 520 tỷ đồng; Hải Dương khoảng 350 tỷ đồng...

Cùng với đó là mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến cấp xã; ở tuyến huyện, xã gắn chặt với y tế cơ sở, 100% xã có trạm y tế. Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, các dịch vụ y tế đã được chuyển từ thu một phần viện phí sang cơ chế giá dịch vụ, thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Ngân sách nhà nước chuyển dần từ bao cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế. Theo Bộ Tài chính, đây là bước đổi mới cơ bản nhất, quan trọng về tài chính y tế, khắc phục tình trạng bao cấp qua giá, là điều kiện cơ bản để các cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, tăng sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ.

Một kết quả quan trọng nữa sau 10 năm thực hiện Nghị quyết là đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức: một là, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; hai là, đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; và ba là, đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Cùng với tự chủ, chính sách xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho y tế cũng tăng nhanh chóng. Các cơ sở y tế công lập được huy động vốn, liên doanh, liên kết trên nguyên tắc bảo đảm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, bảo toàn vốn và tài sản nhà nước, công khai minh bạch. Nhiều đơn vị đã huy động vốn của người lao động, vay vốn của các tổ chức tín dụng, liên doanh, liên kết trang thiết bị, hợp tác công tư, góp phần phát triển kỹ thuật, đầu tư các khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu, chất lượng cao. Việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đầu tư đã làm thay đổi nhận thức của nhiều đơn vị, không trông chờ, ỷ lại ngân sách nhà nước...

Vừa làm vừa... lo

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực y tế, các ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)... đều cho rằng, những kết quả thực hiện Nghị quyết 18 là rất tốt và rất phong phú. Nếu không có Nghị quyết 18, đặc biệt là hai chính sách cơ bản về xã hội hóa và tự chủ thì có thể ngành y tế đã không đạt được những bước phát triển như vừa qua. Dù vậy, ông Trí cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn phụ thuộc vào nhận thức.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí chỉ rõ, không phải “ông” giám đốc bệnh viện nào, thậm chí lãnh đạo các địa phương cũng có nhận thức tương đồng nhau. Và vì thế, kết quả thực hiện Nghị quyết 18 ở các địa phương rất khác nhau. Trong đó, theo quan sát của ông Trí, các địa phương khu vực miền Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt hơn, nhiều nơi thành công hơn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số địa phương chưa tốt, chưa đạt mục tiêu đề ra, thậm chí có nơi lại làm quá, vượt rào. “Đây là nguy cơ chứ không phải là tốt”. Nhấn mạnh điều này, ông Trí bày tỏ đồng tình với nhận xét của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai về việc thực tế đang xảy ra tình trạng “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ”, tức là giao cho đơn vị đó được tự chủ nhưng lại kèm theo các quy định “bó tay bó chân” khiến họ không làm gì được. “Đầu tư trong lĩnh vực y tế rất tốn kém, hơn nữa, đầu tư bằng nguồn xã hội hóa mà lại không cho người ta làm một cách triệt để thì phải nói là cực kỳ tốn kém”, ông Trí nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng chia sẻ thực tế nhiều đồng nghiệp đang làm lãnh đạo quản lý tại các cơ sở y tế luôn trong tình trạng lo lắng vì cơ chế, chính sách về xã hội hóa, tự chủ chưa thật sự cụ thể. Vì thế, việc đầu tiên phải làm sau giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế theo hướng vừa rộng mở hơn nữa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18, nhưng đồng thời phải chặt chẽ, rõ ràng và khả thi hơn nữa. Bởi nếu không rộng mở thì không khuyến khích được các cơ sở y tế năng động, sáng tạo trong thực hiện chính sách xã hội hóa, còn nếu không chặt chẽ sẽ rất dễ rơi vào vi phạm pháp luật.

Cùng quan điểm này, nhiều thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển y tế tư nhân, nhất là mô hình bệnh viện hoạt động không vì lợi nhuận; thúc đẩy hợp tác công - tư; tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân.

Tới đây, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng và địa phương để đánh giá tổng thể về những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18 của QH. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo QH để có tháo gỡ căn cơ về cơ chế, chính sách, tạo cơ sở để thúc đẩy thực hiện chủ trương đúng đắn này. Bởi như ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nhận xét: “Nhìn thì thấy xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất dễ dàng và kết quả rất tốt đẹp. Nhưng sự thực để đạt được những kết quả này thì vô vùng gian nan. Ngành y tế vẫn còn đang phải đối diện với rất nhiều thử thách”. 

Quỳnh Chi