Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang góp ý về dự án Luật:

Mở rộng đối tượng hưởng chính sách đối với giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Thứ Ba, 12/05/2020, 17:00 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, sáng nay, các ĐBQH thảo luận tại Hội trường về Luật Giáo dục sửa đổi. Hầu hết đại biểu đồng tình với nhiều nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), tuy nhiên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang góp ý một số nội dung sau:

Bổ sung quy định bảo đảm an ninh trường học

Đề cập về những hành vi bị cấm trong các cơ sở giáo dục, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho biết, tại  Điều 20, 21, 22 thực tế các điều này đều là những nội dung mà các cơ sở giáo dục không được thực hiện, do vậy đề nghị dự thảo Luật gộp nội dung quy định tại 3 điều Luật thành 01 điều là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giáo dục, đồng thời đề nghị bổ sung hành vi “cấm gây rối an ninh trật tự, xâm phạm điều kiện bảo đảm an toàn trường học” vào dự thảo Luật. “Thực tế, thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh trường học đang đặt ra nhiều thách thức với ngành giáo dục, tình trạng người lạ mặt trà trộn vào trường học để thực hiện hành vi xâm hại học sinh, hành hung cán bộ, giáo viên đang là nỗi sợ hãi trong các trường học”, ĐB Mai nhấn mạnh.


Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu tại hội trường về Luật Giáo dục (sửa đổi)

Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo có quy định nhà giáo thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi, ĐB Âu Thị Mai đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ "nhà giáo công tác tại các trường không phải chuyên biệt thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi, bởi trên thực tế, có những học sinh bị tự kỷ, tăng động, trầm cảm hoặc khuyết tật… được gửi đến học hòa nhập tại trường không chuyên biệt, khi giáo viên ở lớp có học sinh chuyên biệt phải kiêm 2 nhiệm vụ đối với học sinh bình thường và học sinh chuyên biệt, nhưng không được hưởng chế độ. Ngoài ra, ĐB Âu Thị Mai đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cho người học là người khuyết tật được hội đồng cấp xã trở lên công nhận (không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình); đề nghị bổ sung mở rộng đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy lớp có những học sinh chuyên biệt tự kỷ, tăng động, trầm cảm… được gửi đến học hòa nhập tại trường bình thường để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước

Trước đó, chiều 20.5, các ĐBQH họp tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Thảo luận tại tổ 9 gồm các đoàn Tuyên Quang, Đồng Nai và Bình Định, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).


Thảo luận tại tổ gồm các đoàn Tuyên Quang, Đồng Nai và Bình Định

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, hầu hết ĐBQH cho rằng nội dung dự thảo Luật cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực hiện Hiệp định CPTPP theo đúng lộ trình thực hiện các cam kết liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ, phù hợp với nội dung được xác định. ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Qang) nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết, bởi thực tế trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải bổ sung và sửa đổi Luật. Tuy nhiên, ĐB Hoàng Bình Quân cũng cho rằng, dự thảo Luật cần có cách tiếp cận sâu rộng hơn, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP thì áp lực về sở hữu trí tuệ đối với Việt Nam là rất lớn.

“Theo Nghị quyết 72 thì sở hữu trí tuệ không chỉ dừng lại ở 11 nội dung chưa tương thích giữa luật và CPTPP vì còn rất nhiều những điều khoản không tương thích, vì vậy nên có sự nhìn nhận tổng thể, rà soát lại toàn bộ luật sở hữu trí tuệ những điều khoản nào không tương thích với CPTPP”, ĐB Hoàng Bình Quân cho hay. Ngoài ra, ĐB Hoàng Bình Quân cũng đề nghị cần thiết phải có sự tham vấn đối với các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp chính là đối tượng chịu tác động và thụ hưởng của Luật.

Cơ bản nhất trí với ĐB Hoàng Bình Quân, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ và có dánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam đối với các thủ tục và điều kiện đề nghị cấp sở hữu trí tuệ hiện nay để có những quy định cụ thể trong Luật.  Bởi hiện nay, tình trạng xử lý đơn xin cấp quyền ở hữu trí tuệ của doanh nghiệp đang tốn thời gian, tồn đọng đơn rất nhiều khiến doanh nghiệp chậm được đăng ký dẫn tới thiệt hại thậm chí bị vi phạm bản quyền. Vì vậy trong luật cần quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với đó là nâng cao trình độ, năng lực thẩm định về sở hữu trí tuệ từ đó rút ngắn thời gian xem xét đơn và cấp bằng sở hữu cho tổ chức cá nhân.

Đối với Luật kinh doanh bảo hiểm, đa số đại biểu đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng các điều khoản của Luật, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến các giao dịch dân sự để đảm bảo tính thống nhất của các luật hiện hành cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế khi gia nhập các tổ chức như WTO, CPTPP… Về điều các điều khoản, quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá kỹ hơn những tác động của quy định hiện hành với các điều khoản khác được quy định trong Luật bởi kinh doanh dịch vụ bảo hiểm có quan hệ  với các ngành khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ…, vì vậy cần làm rõ để đảm bảo tính pháp lý. Cùng với đó, quy định về quyền và điều kiện của tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân về kinh doanh dịch vụ bảo hiểm hiện nay đang bị bó hẹp khi quy định cá nhân phải có bằng đại học chuyên ngành về kinh doanh bảo hiểm mới được hành nghề, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định có chứng chỉ về kinh doanh dịch vụ bảo hiểm là đủ điều kiện hành nghề.

Vũ Quang Thắng