Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cảng hàng không quốc tế

Mô hình nhà nước quản lý, tư nhân vận hành

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 09:07 - Chia sẻ
Mặc dù hầu hết các sân bay lớn trên thế giới thuộc sở hữu của Nhà nước, song xu hướng tư nhân hóa hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong phát triển cảng hàng không đang gia tăng trên thế giới, trong bối cảnh các quốc gia phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển và khả năng tài chính.

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu về kết quả nghiên cứu về sở hữu và quản lý sân bay ở một số nước không thuộc châu Âu năm 2016, khoảng 15% sân bay trên thế giới được tư nhân hóa hoàn toàn; 18% thuộc đối tác công - tư và 67% còn lại thuộc sở hữu nhà nước. Ở Mỹ, các sân bay thương mại thường được điều hành trực tiếp bởi các tổ chức Chính phủ hoặc cơ quan quản lý sân bay do Chính phủ lập ra như Cơ quan quản lý các sân bay thế giới Los Angeles giám sát một số sân bay ở khu vực Greater Los Angeles, trong đó có sân bay quốc tế Los Angeles.

Ở Nhật Bản, mặc dù không có quy định pháp lý nào giới hạn tư nhân đầu tư vào cảng hàng không, nhưng trên thực tế, phần lớn các sân bay do nhà nước sở hữu. Phần lớn các sân bay ở Canada do cơ quan liên bang Vận tải Canada sở hữu, cùng với các nhà quản lý tại địa phương nơi có sân bay. Ở Pháp, phần lớn các sân bay khu vực thuộc quản lý nhà nước. Ngoài 5 sân bay được tư nhân hóa thì các sân bay còn lại ở Ấn Độ do Cơ quan Cảng hàng không Ấn Độ điều hành.

Báo cáo nghiên cứu về việc sở hữu và quản lý các sân bay tại một số nước ngoài châu Âu của Hội đồng châu Âu năm 2006 cho biết, các sân bay truyền thống hình thành nên một phần khu vực công, được xây dựng ban đầu bởi chính quyền cấp địa phương, khu vực hoặc quốc gia. Vì vậy, việc quản lý các sân bay thường do Nhà nước đảm nhận. Nhà nước có thể trực tiếp quản lý hoặc thông qua cơ quan quản lý nhà nước về hàng không.

Thế nhưng, trong 4 thập kỷ qua kể từ những năm 1980, cũng xuất hiện làn sóng tiến bộ toàn cầu trong lĩnh vực này, đó là thương mại hóa và cổ phần hóa quản lý sân bay, cùng với đó là việc cho phép khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư, vận hành sân bay. Thông qua cổ phần hóa, quản lý sân bay được chuyển từ chính quyền Nhà nước sang cấu trúc thương mại cổ phần, thường thấy trong khu vực tư nhân. Quyền sở hữu của những sân bay được cổ phần hóa có thể vẫn thuộc về nhà nước, do Nhà nước có thể sở hữu 100% cổ phiếu của sân bay. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa tạo điều kiện cho việc áp dụng hình thức quản lý theo hướng thương mại hơn, với mục tiêu trọng tâm là làm tăng nguồn thu và giảm thiểu chi phí. Những người ủng hộ làn sóng này cho rằng, mặc dù là cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn liền với các yếu tố về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhưng sân bay cũng cần phải tạo ra tiền bạc.

Anh là một trong những nước tiên phong về cổ phần hóa sân bay trên thế giới vào giữa những năm 1980. Kể từ đó, việc Anh bãi bỏ các quy định dẫn đến sự phổ biến của các mô hình quản lý và sở hữu khác nhau. Cơ quan Hàng không thuộc sở hữu nhà nước ban đầu vận hành tám sân bay thương mại lớn của nước này, trước khi được tư nhân hóa vào cuối những năm 1980. Sau khi được tập đoàn Ferrovial của Tây Ban Nha tiếp quản vào năm 2006, cơ quan này đã tiếp tục thoái vốn và tinh giản xuống còn điều hành mỗi sân bay quốc tế Heathrow bây giờ.

Luật pháp Đức cho phép tư nhân hoá các sân bay. Vì vậy, phần lớn các cổ đông là các công ty của Đức. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất thường thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, một số sân bay ở Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy... do tư nhân sở hữu nhưng nhà nước kiểm soát.

Theo Stefano Baronci, giám đốc bộ phận kinh tế học tại Hội đồng Sân bay thế giới (ACI), động lực căn bản trong cổ phần hóa sân bay là nhằm chi trả cho những nhu cầu về nâng cấp hoặc mở rộng dân bay, trong khi Nhà nước không đủ khả năng ngân sách để chi trả.

Nhìn chung, mô hình nhà nước sở hữu và nhà thầu tư nhân vận hành được xem là tiêu chuẩn cho hoạt động của các sân bay thương mại ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi suy cho cùng, một ngành vận tải hàng không hoạt động hiệu quả sẽ cung cấp lợi ích phát triển kinh tế đáng kể cho quốc gia. Tuy nhiên, thông thường lĩnh vực nào có hiệu suất và rủi ro tài chính thì cũng cần được quản lý cẩn trọng bởi nhà nước.

Trong bối cảnh, ngành sân bay và vận tải hàng không có tiềm năng hoàn toàn tự chủ về tài chính, là nhân tố đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như xóa đói giảm nghèo, vai trò của Chính phủ có thể tập trung vào việc quy định an toàn và an ninh hàng không, ban hành với các chính sách nhằm thúc đẩy cạnh tranh cùng các biện pháp điều tiết kinh tế.

N. An