Mô hình nào cho văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh?

Bài 2: Có nên về chung một nhà?

- Thứ Sáu, 19/06/2020, 09:33 - Chia sẻ
Trong 17 năm qua, các mô hình văn phòng đều đã được triển khai và kiểm chứng hiệu quả trên thực tế. Hơn ai hết, những người trong cuộc hiểu rất rõ những thuận lợi và khó khăn ứng với mỗi mô hình văn phòng. Để giúp đoàn ĐBQH, HĐND, UBND hoạt động hiệu quả, việc nhập Văn phòng là điều không nên làm mà cần giữ nguyên 3 văn phòng nhưng cần quy định lại tổ chức, hoạt động của mỗi cơ quan cho hợp lý.

Khó vận hành khi nhập ba văn phòng

Khi có chủ trương nhập 3 văn phòng, trao đổi giữa anh em văn phòng các địa phương, đã có ý kiến cho rằng nhập chung 3 văn phòng là một tin vui cho công chức khối Đoàn ĐBQH và HĐND. Vui bởi lẽ, hãy hình dung khi hai anh nhỏ bé (ý nói Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND) nhập vào một anh to lớn, khỏe mạnh (ý nói UBND) để cùng nhau trở thành một cơ thể cường tráng thì sức mạnh, vị thế sẽ tăng thêm. Suy luận này, về lý lẽ là chính xác nhưng về thực tế thì không hoàn toàn như vậy, điều này đã được minh chứng bằng kết quả một năm thực hiện thí điểm nhập 3 văn phòng của 11 địa phương.  

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND đã có một thời là văn phòng chung. Như đã đề cập ở bài 1, văn phòng chung phù hợp với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho công tác quản lý nhà nước ở thời điểm 17 năm trước, một khoảng thời gian khá xa so với hiện nay.

Nếu nay lại nhập lại, mục đích tinh giản nhưng lại khiến bộ máy không rạch ròi trong chức năng tham mưu, như vậy gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Về nhiệm vụ, tính riêng HĐND, sau 17 năm, với sự ra đời của một khối lượng lớn các văn bản pháp luật; một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nên thẩm quyền của HĐND đã tăng đáng kể. Hoạt động HĐND không chỉ tập trung chủ yếu vào kỳ họp “xuân, thu nhị kỳ” như trước kia mà bối cảnh hiện nay yêu cầu hoạt động giám sát phải đẩy mạnh hơn nữa. Và hầu như, dù HĐND có cố gắng bao nhiêu cũng chưa thể đáp ứng với yêu cầu của cử tri và Nhân dân, đặc biệt là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, nhiều luật hiện nay chuyển quyền quyết định các vấn đề quan trọng với mức độ phức tạp cao của địa phương từ UBND sang HĐND tỉnh như Luật Đất đai với quyết định danh mục các dự án thu hồi đất; Luật Đầu tư công với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình và dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với trách nhiệm của các Ban đã tổ chức thẩm tra sẽ tiếp tục có trách nhiệm giải trình các nội dung trình tại kỳ họp HĐND…

Những điều này đòi hỏi HĐND tỉnh phải tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động từ nhiệm kỳ 2016-2021. với đặc thù là cơ quan dân cử, hiệu quả hoạt động của HĐND không chỉ quyết định bằng chính những người đại biểu HĐND mà còn có phần đóng góp rất quan trọng của cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh. Với nhiệm vụ như vậy, nếu văn phòng tham mưu, giúp việc không ổn định, không đủ sức thì hoạt động của HĐND cũng không thể đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Chưa kể thực tế hiện nay, hầu hết 3 văn phòng làm việc ba nơi thì để người đứng đầu văn phòng điều hành hoạt động thông suốt, đủ sức đảm đương được nhiệm vụ, trong các hội nghị, hội thảo toàn quốc, nhiều địa phương đã hình dung ra hình mẫu của Chánh Văn phòng phải là người “ba đầu sáu tay”!

Có thể hình tượng mối quan hệ khi 3 văn phòng nhập chung như 3 người anh em rất thân thiết, sống chung một nhà nhưng mọi việc làm của 3 người anh em thân ấy lại vận hành theo kiểu “thân ai nấy lo” thì niềm tin về một văn phòng chung sẽ mạnh hơn, thông suốt hơn chỉ là một sự lạc quan thiếu tính thực tiễn.

Nếu như Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND lại “về chung một nhà”

Thực tế qua 8 năm hoạt động, mô hình này đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, văn phòng chung phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của khá nhiều chủ thể. Mặt khác, do nội dung, tính chất, phạm vi hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND khác nhau, khi thực hiện nhiệm vụ cho chủ thể nào lại do lãnh đạo của chủ thể đó trực tiếp chỉ đạo, điều hành nên văn phòng dễ rơi vào tình trạng bị “rối”. Ngoài ra, mục đích sáp nhập để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy cũng không đạt được khi tại hầu hết các địa phương, quy mô của văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND lớn hơn hai văn phòng trước kia.

Mặc dù là văn phòng chung nhưng hầu hết các văn phòng làm việc hai nơi; tính chất độc lập giữa hai bộ phận tham mưu, giúp việc cho hai cơ quan dân cử vẫn thể hiện rõ nét; sự hỗ trợ, phối hợp giữa hai bộ phận tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn gặp khó khăn do đặc thù hoạt động của hai cơ quan có sự khác nhau. Khi quyết định một vấn đề gì, Chánh Văn phòng phải xin ý kiến rất nhiều chủ thể: Cấp ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, lãnh đạo HĐND nhưng nhận được ý kiến rồi lại không biết tiếp thu ý kiến nào khi các ý kiến không giống nhau. Nhưng Chánh Văn phòng cũng không tìm được “trọng tài” để có quyết định cuối cùng, thành ra nhiều việc của Văn phòng phải kéo dài, ảnh hưởng đến cả công tác tham mưu và phục vụ.

Còn nhớ nhiều câu chuyện khó, khổ “thời 8 năm”. Phòng Công tác ĐBQH và Công tác HĐND là hai phòng độc lập nhưng phòng Hành chính Tổ chức Quản trị và phòng Dân nguyện Thông tin thì lắm nhiêu khê. Mỗi phòng đều có hai bộ phận ngồi hai nơi để tham mưu cho hai chủ thể và mọi việc hầu như do Phó Văn phòng khối đó điều hành. Nhưng hễ có việc gì thuộc nhóm những việc không vui như cần giải trình, kiểm điểm, kỷ luật thì cả phòng phải ngồi lại. Phải kiểm điểm, phải góp ý mà không biết góp ý gì; phải liên đới trách nhiệm trong khi mình không có trách nhiệm liên quan. Lý do duy nhất là tại… cùng phòng. Bởi vậy, có thể nói, việc tách văn phòng vào năm 2012 đã nhận được sự đồng tình của các địa phương vì sự phù hợp với tình hình thực tế.

Phương án cho một văn phòng của chính quyền địa phương

Về mặt hình thức, ngữ nghĩa thì văn phòng của chính quyền địa phương sẽ rất phù hợp, nhưng thực tế hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí so với phương án 2, phương án này còn khó vận hành hơn. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND. Như vậy, nếu thành lập một văn phòng của chính quyền địa phương sẽ rất khó khăn, trở ngại trong công tác tham mưu, giúp việc đồng thời cho 2 hệ thống cơ quan lập pháp, lập quy và cơ quan hành pháp. Văn phòng theo mô hình này tựa như một người đang làm việc, thỉnh thoảng lại lấy tay phải đánh tay trái một cái rồi lâu lâu lại trở qua, lấy tay trái đập vào bàn tay phải một đập!

Như phân tích cả ba mô hình nêu trên, có thể nói, để giúp đoàn ĐBQH, HĐND, UBND hoạt động hiệu quả thì việc nhập văn phòng là điều không nên làm mà cần giữ nguyên 3 văn phòng nhưng cần quy định lại tổ chức, hoạt động của mỗi cơ quan cho hợp lý.

Nguyễn Thị Oanh, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai