Mô hình nào cho văn phòng chính quyền địa phương cấp tỉnh?

Bài 1: Chuyện cũ cần được nhắc lại

- Thứ Năm, 18/06/2020, 11:13 - Chia sẻ
​​​​​​​Những câu chuyện nhớ lại của Văn phòng gần 20 năm qua dẫu đã là chuyện cũ nhưng trong thời điểm hiện nay, khi câu hỏi mô hình nào cho văn phòng của chính quyền địa phương cấp tỉnh đặt ra thì chuyện cũ cần phải được nhắc lại. Nhắc nhớ để tìm ra câu trả lời, để tìm ra một mô hình ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để anh em công tác ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND đỡ buồn, đỡ tủi và đỡ loanh quanh với câu chuyện nhập, tách nhiều kỳ.

Chuyện từ hồi còn “ở chung”

Trong các Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND bây giờ, những ai có quá trình công tác từ trước năm 2005 đều nhớ về một thời đã từng là anh em một nhà. Ngày ấy, Văn phòng “3 trong 1”; nhóm tham mưu, giúp việc cho đoàn ĐBQH là nhóm nhỏ bé nhất, công việc chủ yếu vẫn là mỗi năm hai kỳ họp; nhóm HĐND đỡ nhỏ bé hơn vì có khoảng 5 - 6 chuyên viên, mỗi quý HĐND họp một lần còn nhóm tham mưu, giúp việc cho UBND đông áp đảo, công việc của UBND thì vẫn quản lý, điều hành cơ bản như ngày nay. Nhưng công việc ngày ấy không “đăng đăng đê đê” như bây giờ. Văn bản soạn thảo bằng cách viết tay, bản viết ấy nếu được lãnh đạo duyệt sẽ được chuyển đến Văn thư chung để đánh máy; cơm, áo, gạo, tiền đã có một đầu mối lo chung.

Công việc chuyên môn của ba bộ phận trong Văn phòng hoàn toàn độc lập. Vậy nên những "tiền bối" ở HĐND vẫn còn nhớ chuyện ngày xưa, khi đến sát kỳ họp, cả Phó Chủ tịch, Phó trưởng các ban chuyên trách cũng cùng tham gia ngồi sắp xếp tài liệu với chuyên viên. Điều đó nói lên rằng, ngày xưa dẫu là 3 trong 1 nhưng vẫn có sự độc lập và việc ai nấy làm, bởi vậy, lãnh đạo HĐND cũng phải xắn tay vào cùng anh em trong cả những công việc hành chính để kịp thời gian, tiến độ cho 4 kỳ họp trong năm.

Một hội nghị tập huấn cho cán bộ, công chức cơ quan tham mưu, giúp việc

Ảnh: Trâm Nguyễn 

Đến những lần nhập, tách

Năm 2005, các văn phòng tách riêng nên ai làm việc nhà nào thì về “nhà” ấy. Ngày ấy, Đoàn ĐBQH chưa có Văn phòng mà chỉ có Thư ký, cùng với Thư ký là một số công chức tham mưu, giúp việc. HĐND thì có Văn phòng với 2 phòng riêng; công chức Văn phòng HĐND hầu hết được tuyển mới, đa phần số cán bộ, công chức của Văn phòng chung thuộc Văn phòng UBND.

Có thể nói, thời gian này là thời “thịnh” của Văn phòng HĐND bởi lẽ, sự ghi nhận về địa vị pháp lý đồng nghĩa với việc đánh giá cao vai trò của Văn phòng HĐND trong công tác tham mưu, giúp việc. Thường trực, các Ban lại có bộ máy tham mưu, giúp việc riêng nên hoạt động mạnh hơn, bài bản hơn. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2004 - 2011 được kéo dài thêm 2 năm nên đây là một nhiệm kỳ mà hoạt động HĐND ghi lại rất nhiều dấu ấn.

Năm 2008, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND được thành lập, bắt đầu thời kỳ 2 trong 1. Thời kỳ này, mặc dù nhập chung nhưng Văn phòng của hầu hết các địa phương trong cả nước đóng tại 2 trụ sở riêng. Đây cũng là thời kỳ số lượng các phòng trong Văn phòng chung “bùng nổ”: Quy định có 3 phòng nhưng có nơi này 3, nơi khác 4, nơi kia 5, lại có nơi 7 hay 9 phòng. Đi các Hội nghị toàn quốc, ngoài những ý kiến tâm huyết về hoạt động của Quốc hội, HĐND và hoạt động đại biểu, nơi nào cũng nghe câu chuyện Văn phòng. Mà chuyện khó nhiều hơn. Bốn năm sau, năm 2012, nhiều anh em ở Văn phòng chung đã từng chấp bút viết về việc thành lập Văn phòng 2 trong 1 ngày nào lại tiếp tục soạn thảo văn bản về sự cần thiết của việc Văn phòng chung phải tách làm đôi. Như vậy, sau 8 năm tách và nhập, 3 Văn phòng trở về thời tổ chức bộ máy của năm 2005.

Tâm lý chung của anh em Văn phòng khi ấy là vui nhiều hơn lo. Lo vì công tác tư tưởng khi giảm đi nhiều vị trí Trưởng, Phó phòng; vì tâm lý lo lắng của anh em khối ĐBQH khi ra “ở riêng” sẽ phải gánh vác những công việc hành chính của một cơ quan độc lập. Nhưng những vấn đề này cũng được nhanh chóng giải quyết. Niềm vui thì nhiều hơn, vui do yếu tố cá nhân cũng có, vì thêm được 1 Chánh và 1 Phó Chánh Văn phòng cho khối ĐBQH. Vui vì những điều lớn hơn cho cả tập thể, đó là việc đỡ chồng chéo cảnh “một con mà có hai cha”.

Tôi vẫn nhớ, ngày ấy, Báo Đại biểu Nhân dân cùng nhiều tờ báo khác đăng nhiều bài chuyển tải ý kiến đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các địa phương khẳng định rằng: Văn phòng chung không hiệu quả. Và anh em Văn phòng các địa phương đều nhìn nhận, việc tách Văn phòng là cần thiết và phù hợp. Điều đó được minh chứng bằng kết quả hoạt động của các Văn phòng trong 8 năm, trải qua 2 nhiệm kỳ vừa qua. Với Văn phòng Đoàn ĐBQH là một khối lượng đồ sộ các dự án Luật, là sự đánh giá, tin tưởng ngày càng tăng của cử tri. Với Văn phòng HĐND là việc thích ứng để hoàn thành nhiệm vụ khi HĐND tiếp nhận thêm nhiều thẩm quyền mới, đặc biệt quan trọng như việc thu hồi đất, quyết định chủ trương đầu tư, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri…

Những câu chuyện nhớ lại của Văn phòng gần 20 năm qua dẫu đã là chuyện cũ nhưng trong thời điểm hiện nay, khi câu hỏi mô hình nào cho Văn phòng của chính quyền địa phương cấp tỉnh đặt ra thì chuyện cũ cần phải được nhắc lại. Nhắc nhớ để tìm ra câu trả lời, để tìm ra một mô hình ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; để anh em công tác ở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND đỡ buồn, đỡ tủi và đỡ loanh quanh với câu chuyện nhập, tách nhiều kỳ.

Nguyễn Thị Oanh - Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Đồng Nai