Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại Quảng Bình

Mô hình bộ máy giúp việc nào phù hợp với thực tế?

- Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:41 - Chia sẻ
Lược ghi Báo cáo đề dẫn của Phó Trưởng ban Công tác đại biểu ĐẶNG NGỌC HUY tại hội nghị

Kính thưa đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH,

Kính thưa đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình,

Kính thưa các đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí.

Qua theo dõi hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong những năm vừa qua cho thấy hầu hết các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ đã tổ chức 1 - 3 kỳ họp bất thường trong một năm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, trong tổ chức kỳ họp HĐND bất thường còn một số hạn chế. Trong khuôn khổ Hội nghị này, tôi xin nêu một số vấn đề để các đồng chí thảo luận, trao đổi hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kỳ họp của HĐND nói chung và kỳ họp bất thường cấp tỉnh nói riêng. Cụ thể:

Một là, công tác chuẩn bị. Để kỳ họp bất thường của HĐND tổ chức có hiệu quả, yêu cầu công tác chuẩn bị phải bảo đảm tiến độ nhưng vẫn phải kỹ lưỡng, chu đáo, chính xác để phù hợp với tính chất cấp bách nhưng quan trọng của các vấn đề được đưa ra giải quyết tại kỳ họp. Do vậy, đề nghị các đồng chí phân tích việc phối hợp giữa Thường trực HĐND với các cơ quan hữu quan trong việc đề xuất, chuẩn bị các vấn đề phát sinh cần quyết định ngay; phối hợp xây dựng nội dung, chương trình kỳ họp, công tác chỉ đạo bộ máy giúp việc bảo đảm điều kiện để kỳ họp được tổ chức hiệu quả; kinh nghiệm trong sắp xếp thời lượng, thời gian họp.

Hai là, công tác thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp bất thường. Kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh thường được tổ chức không theo định kỳ nên các nội dung cần thẩm tra không có kế hoạch sớm, thời gian dành cho việc thẩm tra ngắn… đề nghị các đồng chí nêu các giải pháp khắc phục tính hình thức trong hoạt động thẩm tra đối với các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường; những khó khăn trong quá trình thẩm tra.


Ảnh: Diệp Anh

Ba là, trình tự tiến hành kỳ họp và chủ tọa kỳ họp bất thường. Bằng kinh nghiệm thực tế, đề nghị các đồng chí trao đổi, chia sẻ về trình tự thủ tục của kỳ họp bất thường nhằm bảo đảm quy trình chặt chẽ nhưng phát huy được chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND. Bằng thực tiễn hoạt động, các đồng chí chia sẻ những giải pháp trong công tác điều hành để tạo không khí dân chủ, cởi mở. Kinh nghiệm trong việc lựa chọn, định hướng nội dung, vấn đề để các đại biểu HĐND tập trung thảo luận và thông qua nghị quyết.

Bốn là, quan điểm về việc tăng cường số lượng kỳ họp bất thường. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/NQ - UBTVQH14, số lượng các kỳ họp bất thường của HĐND tăng lên trong thời gian qua. Các đồng chí trao đổi về ưu điểm, hạn chế khi tổ chức nhiều các kỳ họp HĐND bất thường trong một năm. Có nên gọi là kỳ họp HĐND bất thường hay cần đề xuất sửa đổi tên gọi?

Năm là, tham gia ý kiến để hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND. Cụ thể là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong tổ chức, về việc giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp được quy định tại Khoản 1, Điều 18 (đối với cấp tỉnh); Khoản 1, Điều 25 (đối với cấp huyện); Khoản 1, Điều 32 (đối với cấp xã); Khoản 1, Điều 39 (đối với cấp thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 1, Điều 46 (đối với cấp quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); Khoản 1, Điều 53 (đối với thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) trong dự thảo Luật sửa đổi có hợp lý? Có nên đề xuất bổ sung quy định về việc giảm tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan nhà nước? Có nên quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách không?

Việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II có hợp lý không hay nên giữ nguyên như hiện nay, lý do vì sao? Việc thành lập Tổ Đại biểu HĐND cấp xã, trong dự thảo không có quy định. Xin ý kiến các đồng chí có nên kiến nghị thành lập Tổ Đại biểu HĐND cấp xã không, lý do vì sao? Về việc thành lập bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND: Nên đề nghị mô hình tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế? Lý do?

Dự thảo Luật chưa quy định mối quan hệ và trách nhiệm của UBTBQH với Thường trực HĐND cấp tỉnh, mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện; mối quan hệ giữa Thường trực HĐND cấp huyện với Thường trực HĐND cấp xã. Vậy có nên bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật sửa đổi không?

Trong hoạt động, về thẩm quyền của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp, dự thảo Luật quy định bổ sung Khoản 11 vào Điều 104 “Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của các luật chuyên ngành”, quy định như vậy có phù hợp không hay cần quy định cụ thể hơn để dễ áp dụng trong thực tế.

Để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung Luật khắc phục được những vướng mắc trên thực tế và phù hợp với chủ trương của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng, vai trò của HĐND, Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị dự thảo “Luật Tổ chức chính quyền địa phương - những vấn đề đặt ra đối với tổ chức và hoạt động của HĐND” và đã được gửi đến tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị. Tôi đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, đóng góp tâm huyết cùng với Ban Công tác đại biểu hoàn thiện dự thảo Văn bản để báo cáo UBTVQH xem xét, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ý kiến của các đại biểu xin gửi lại cho Ban Tổ chức Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn!

Lê Nam lược ghi