Góc nhìn

Minh bạch xuất xứ

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:12 - Chia sẻ
Thế nào là sản phẩm hàng hóa của Việt Nam? Thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam? Trong suốt thời gian qua, dù rất nhiều văn bản pháp luật quy định khung về các nguyên tắc chung ghi nhãn hàng hóa, xác định xuất xứ hàng hóa, nhưng chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do.

Thực tế, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định ghi nhãn hàng hóa tiêu thụ trong nước dù mang tính bắt buộc nhưng để cho doanh nghiệp tự lựa chọn nội dung ghi nhãn phù hợp liên quan tới xuất xứ. Tuy nhiên, với nguyên tắc “tự nguyện, tự chịu trách nhiệm” này, không ít doanh nghiệp đã tùy tiện hoặc lạm dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Hàng hóa gắn mác “made in Vietnam” nhưng không sản xuất ở Việt Nam tồn tại khá phổ biến tại thị trường trong nước. Việc thiếu vắng các quy định xác định sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam đã khiến một số doanh nghiệp gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, gây thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh…

Để lấp khoảng trống này, Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, trường hợp được coi là sản phẩm của Việt Nam phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam vẫn được coi là hàng hóa Việt Nam nếu trải qua giai đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Có thể là muộn, nhưng việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và uy tín hàng Việt Nam. Bởi từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, bước đầu khẳng định được uy tín và chất lượng. Với bộ tiêu chí khá rõ ràng, những tranh cãi thế nào là hàng hóa Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ không còn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát huy năng lực quản trị của mình, tạo thương hiệu cho chính doanh nghiệp và quốc gia.

Rõ ràng, việc mô tả chi tiết xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm là hết sức cần thiết và cấp bách, tránh tình trạng “nhập nhằng” như nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, sản xuất ở nước ngoài và chỉ làm công đoạn cực kỳ đơn giản nhưng vẫn dán nhãn hàng Việt Nam. Thậm chí nhập nguyên chiếc rồi xé nhãn mác nơi xuất xứ và gắn mác “made in Vietnam”. Khi xu thế bảo hộ gia tăng trên thế giới, nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hội nhập. Có thể nói, bảo vệ thương hiệu quốc gia liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của tiến trình hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để đưa ra bộ tiêu chí về các sản phẩm “made in Vietnam” nên cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác, hay quy định 30% giá trị hàng hóa phải có xuất xứ nội địa mới được công nhận, rất phức tạp, cần nhiều cơ quan chuyên môn thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư bước đầu quy định khá cụ thể cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Để dự thảo Thông tư sát thực tiễn hơn, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Công thương cần phân định rõ, có những tiêu chí cụ thể, ví dụ giá trị gia tăng là bao nhiêu, hàm lượng của hàng Việt Nam là bao nhiêu. Để người dân ưu tiên dùng hàng Việt, trước hết họ phải yên tâm khi nhìn thấy dòng chữ “made in Vietnam”, xem đây là một giá trị bảo đảm, khẳng định chất lượng hàng hóa.

Duy Anh