Chính sách và cuộc sống

Minh bạch và công bằng

- Thứ Năm, 14/03/2019, 08:03 - Chia sẻ
“So với thế hệ chúng tôi, bộ sách giáo khoa hiện hành là một bước lùi lớn trong việc khuyến khích tinh thần tự học”, Ts. Giáp Văn Dương, một chuyên gia giáo dục đã rút ra nhận xét này sau khi tự mình xem xét kỹ lưỡng sách giáo khoa của cô con gái.

“Những ai cảm thấy không tin, hãy mở sách giáo khoa của con mình ra và thử tự học, họ sẽ lúng túng vô cùng. Nhiều khi không biết bắt đầu từ đâu. Nhìn thấy cửa, mà không thấy chìa khóa ở chỗ nào, chưa kể không có hướng dẫn gì cụ thể cho việc khám phá. Chiếc chìa khóa đã được để ở một nơi khác, trong giáo án hoặc sách giáo viên, chứ không phải ở ngay trong sách giáo khoa. Nói cách khác, những tri thức cần chiếm lĩnh đã được phân chia thành những phần khác nhau, nằm rải rác ở nhiều chỗ khác nhau, chứ không phải chỉ ở trong sách giáo khoa để học sinh có thể tự học. Nghe như trò đánh đố, nhưng sự thật là như thế”, ông Giáp Văn Dương chia sẻ.

Thực ra, hơn 5 năm trước, Quốc hội Khóa XIII đã nhìn rõ những bất cập liên quan đến sách giáo khoa, đặc biệt là tình trạng độc quyền trong biên soạn, in ấn, phát hành đã khiến người sử dụng - học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh - hoàn toàn không có quyền lựa chọn nào khác dù chất lượng bộ sách giáo khoa có đáp ứng được yêu cầu hay không. Chính vì thế, sau rất nhiều cuộc tranh luận, suy xét thận trọng, Quốc hội đã quyết định đưa vào Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông một chủ trương - dù đã được áp dụng từ rất nhiều năm trước ở những nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapore nhưng vẫn đang là bài toán khó ở nước ta hiện nay - đó là, thực hiện “một chương trình - nhiều sách giáo khoa”.

Việc thực hiện chủ trương này có đáng lo không? Có dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh không lành mạnh mà không kiểm soát được chất lượng sách giáo khoa không? Có khiến cho người dạy, người học rơi vào tình thế “đa thư loạn mục”, bối rối không biết chọn sách giáo khoa nào không? Có làm cho mỗi trường, mỗi địa phương dạy, học một kiểu rồi lại thi một kiểu dẫn đến không công bằng cho người học hay không? Có lợi ích nhóm trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa hay không?... Còn nhiều, rất nhiều những băn khoăn, lo lắng khác đã được bày tỏ trong suốt thời gian Quốc hội Khóa XIII thảo luận về chủ trương này và đến cả thời điểm hiện nay, khi Quốc hội Khóa XIV đang tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.

Phải nói ngay rằng, những lo lắng, băn khoăn này đều chính đáng bởi dù sao, đây vẫn là một chủ trương mới đối với nước ta. Việc thực hiện chủ trương này chắc chắn sẽ động chạm đến nhiều vấn đề đã ăn sâu vào tư duy, nhận thức của số đông trong xã hội, trong đó phải kể đến việc xem sách giáo khoa là “khuôn vàng thước ngọc”, là “pháp lệnh” khiến người dạy, người học phải răm rắp dạy cho đủ, học cho đúng, không dám và cũng chẳng có thời gian để đi chệch ra khỏi quỹ đạo của sách giáo khoa.

Thực tế tại các nước cho thấy, việc thực hiện chủ trương này không chỉ phá bỏ sự độc quyền trong biên soạn, in ấn sách giáo khoa, mở ra cơ hội lựa chọn được những quyển sách/bộ sách giáo khoa tốt nhất, chất lượng nhất mà hơn hết, còn thúc đẩy sự thay đổi về phương pháp giáo dục. Bởi khi đó, khung chương trình giáo dục mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là công cụ và tài liệu giảng dạy để đạt được chuẩn kiến thức chung được áp dụng trên toàn quốc chứ không phải là “thánh điển”, không phải là công cụ duy nhất cho việc truyền thụ và tiếp nhận tri thức. Nói cách khác, cơ chế này sẽ tạo ra và trao cho người dạy, người học “chìa khóa” để chủ động và sáng tạo trong tiếp cận tri thức, phát triển năng lực. Đó cũng là mục tiêu mà Nghị quyết số 29 của Trung ương và Nghị quyết số 88 của Quốc hội hướng đến.

Vì thế, những lo lắng, băn khoăn và cả ý nghĩa sâu xa của cơ chế một chương trình - nhiều sách giáo khoa phải được giải trình thấu đáo hơn, được tuyên truyền sâu rộng hơn để xã hội hiểu đúng, hiểu đầy đủ, thống nhất và yên tâm về chủ trương này. Và trên cơ sở đó, xây dựng một khuôn khổ pháp lý cụ thể, minh bạch, có cơ chế giám sát chặt chẽ để bảo đảm sự công khai, khách quan và công bằng trong quá trình thực hiện. Trong đó, có một việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương hoàn thành, đó là, trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành cuối năm 2018 phải xây dựng được chương trình chi tiết cho từng bộ môn, học kiến thức gì, học ra sao, chuẩn chất lượng đầu ra như thế nào và căn cứ vào đâu để đánh giá được chuẩn chất lượng đầu ra... Nếu không có chương trình chi tiết này thì có lẽ cũng sẽ chẳng có nhà khoa học, chuyên gia giáo dục hay tổ chức, nhà xuất bản nào dám bắt tay vào soạn sách giáo khoa.

Nguyễn Bình