Bổ sung điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Minh bạch tốt hơn gò bó

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:23 - Chia sẻ
Trước sự tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019, mới đây, Bộ Tài chính đề xuất sửa Nghị định số 163/2018/NĐ-CP và bổ sung một số điều kiện phát hành. Các chuyên gia kinh tế cho rằng dự thảo Nghị định sửa đổi còn nhiều điều phải cân nhắc, vì nếu siết quá chặt doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu thì việc giải bài toán huy động vốn lại trở nên luẩn quẩn.

Tăng trưởng “nóng”

Theo thống kê, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2017 đạt 6,29% GDP, cuối năm 2018 đạt 9,01% GDP. Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu thi hành ngày 1.2.2019. Đến cuối năm 2019 đã có hơn 650 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị thực tế đạt hơn 196 nghìn tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành trong nước đến cuối năm 2019 tương đương 10,37% GDP, tăng 34% so với năm 2018 (8,57% GDP), cho thấy thị trường này đang tăng trưởng “nóng”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất khoảng 10%, hấp dẫn hơn nhiều so với mức 7%/năm của ngân hành, nếu bán giữa chừng cũng không bị mất lãi, thanh khoản linh hoạt, có tài sản bảo đảm. Những lợi thế này đưa trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư được đặc biệt ưa thích trong năm qua. Với những đơn vị phát hành, phân phối uy tín, trái phiếu là cánh cửa rộng mở để huy động vốn trong bối cảnh tín dụng bị siết chặt, ông Hiếu bình luận.

Mặc dù vậy, năm 2019 chứng kiến nhiều trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp không minh bạch. Có doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu giá trị gấp 16 lần vốn chủ sở hữu. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, do thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới hình thành, chưa có những quy định cụ thể, đầy đủ nên doanh nghiệp phát hành “nở rộ”, thiếu tổ chức.

Một mối lo khác là sự xuất hiện của nhà đầu tư cá nhân trong 2 năm trở lại đây, hiện chiếm 10 - 15% trong tổng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Những nhà đầu tư cá nhân nếu không chuyên, rất dễ lạc vào “ma trận” trái phiếu doanh nghiệp với lẫn lộn thông tin thật - giả, mập mờ.

Trước những lo ngại về sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 163 với nhiều quy định khá “mạnh tay” như: Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Theo Bộ Tài chính, những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ nhằm bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây cũng là giải pháp cấp bách để quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cụ thể, điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu (doanh nghiệp phải bảo đảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất) là nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn. Tương tự, việc bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163.


Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng nóng Nguồn: ITN

Phải có tổ chức định giá tín nhiệm

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc sửa đổi Nghị định 163 là cần thiết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Sự phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản cao và có chiều sâu sẽ giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào vốn vay ngân hàng và dẫn đến sự đa dạng hóa lớn hơn các nguồn vốn huy động cho nhiều loại hình tài sản khác nhau.

Bình luận cụ thể hơn, Trưởng phòng Kinh doanh trái phiếu, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Vương Hoàng Sơn cho biết, không phải khi nào nhà đầu tư cũng có thể đi đến thống nhất về điều khoản, điều kiện chung của một trái phiếu. Khi đó doanh nghiệp muốn hoàn thành kế hoạch huy động vốn thì phải chia nhỏ đợt huy động. Nếu quy định đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và có thể khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm nay giảm một nửa so với 2019, ông Sơn nhận định.

Trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 163 còn nhiều điều phải cân nhắc bởi nếu siết quá chặt, doanh nghiệp không huy động vốn qua kênh trái phiếu thì việc giải bài toán vốn lại trở nên luẩn quẩn. Ngoài ra, hiện chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cung cấp dịch vụ đánh giá doanh nghiệp. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chưa cung cấp dịch vụ đánh giá cho hầu hết tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, ngoại trừ phần lớn ngân hàng trong nước được Moody’s xếp hạng. Điều này có nghĩa các nhà đầu tư hiện nay tự đánh giá và tự trả giá nên rủi ro. Vì vậy, nếu muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, phải có công ty định giá tín nhiệm và trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp tập trung.

Thảo Anh