Minh bạch để thị trường bất động sản phát triển ổn định

- Thứ Ba, 04/06/2019, 08:07 - Chia sẻ
Chiều nay, QH chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực xây dựng. Trong báo cáo gửi QH, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm nay sẽ hoàn thành Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị và Hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản. Giới chuyên gia nhận định, minh bạch hóa thị trường và các thông tin quy hoạch như vậy chính là công cụ hữu hiệu nhất để ngăn bong bóng đất đai, tránh tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch, giúp thị trường bất động sản duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường

Sau 6 - 7 năm kể từ thời điểm khó khăn nhất, thị trường bất động sản đến nay đã phục hồi và phát triển ổn định. Đến cuối năm ngoái, lượng hàng tồn kho chỉ còn khoảng 22,8 nghìn tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm hồi đầu năm 2013 thì đã giảm được 105,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 82,24%. Dự báo về thị trường bất động sản năm nay, các chuyên gia đều nhận định thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Trong quý I.2019, giá bất động sản ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có biến động tuy nhiên không lớn, cụ thể, so với quý IV.2018 giá chung cư ở Hà Nội giảm 0,05%, ở TP Hồ Chí Minh tăng 1%.

Trong báo cáo gửi QH và các ĐBQH, Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống văn bản pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản hiện đã cơ bản hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát, điều tiết thị trường và quản lý các chủ thể tham gia. Cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú cả về chủng loại, phân khúc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đặc biệt, trong quý I.2019, cơ cấu sản phẩm thị trường có sự thay đổi rõ rệt. Nguồn cung căn hộ trung và cao cấp mới giảm, thay vào đó là phân khúc căn hộ có diện tích trung bình, phù hợp với hộ gia đình trẻ và những người độc thân.

Cùng với đó, các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm tiếp tục được triển khai hiệu quả, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình chính sách, người nghèo được cải thiện chỗ ở. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tăng đều qua các năm, đến 2018 đã đạt 24m2 sàn/người. Hiện có 198 dự án nhà ở xã hội đã được hoàn thành với quy mô 81,7 nghìn căn và 226 dự án đang triển khai sẽ cung cấp thêm hơn 182 nghìn căn.  

Tuy vậy, Bộ Xây dựng thừa nhận cơ cấu hàng hóa bất động sản hiện chưa thực sự hợp lý. Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính. Để ngăn bong bóng đất đai, công cụ hiệu quả nhất chính là minh bạch hóa thị trường. Trên tinh thần này, Bộ Xây dựng đã nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm dùng chung kết nối đến các địa phương và đang tích hợp, cập nhật số liệu nhằm tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng cho biết, tới đây sẽ đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; đồng thời hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hệ thống này trình Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó, Bộ tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá bán thấp, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê.

Quý III sẽ có quy chế quản lý condotel, officetel

Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay, đã có khoảng 25,6 nghìn căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.

Rủi ro của sản phẩm này không chỉ là cung vượt cầu mà còn ở quy định pháp lý chưa đầy đủ. Một số văn bản pháp luật hiện hành đều chưa có quy định cụ thể và rõ ràng về loại hình này, ngoại trừ cụm từ “biệt thự du lịch” và “căn hộ du lịch” được đưa vào Luật Du lịch năm 2017. Theo Luật Đất đai 2013, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hiện nay là không thể.

Năm ngoái, khi soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đã đưa ra quy định về quản lý, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, công trình xây dựng đa năng có mục đích để ở. Tuy nhiên, tại phiên họp tháng 4.2018, UBTVQH chưa tán thành sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản ở thời điểm này.

Trước mắt, để quản lý loại hình bất động sản mới condotel, officetel, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, vận hành công trình văn phòng kết hợp lưu trú, dự kiến ban hành trong quý III năm nay. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm này.

Đổi mới phương pháp luận về phát triển, quy hoạch đô thị

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2018 cả nước có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%. Thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát phát triển đô thị được triển khai tốt hơn. Các địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch xây dựng, xây dựng Chương trình phát triển đô thị, thành lập khu vực phát triển đô thị... tạo cơ sở thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật. Các dự án phát triển đô thị mới được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và kế hoạch.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ. Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của các địa phương không gắn kết với quy hoạch, dẫn đến đầu tư dàn trải, không bảo đảm đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở... với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gây tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống người dân. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết chưa tuân thủ quy định, không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng, đặc biệt ở nội thành, nội thị.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình và được QH thông qua Luật sửa đổi 37 luật liên quan tới quy hoạch, trong đó có 2 nội dung rất quan trọng để khắc phục các vấn đề trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, đặc biệt là điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Một là, việc điều chỉnh quy hoạch trước đây thực hiện theo trình tự đơn giản và không quy định rõ ràng việc tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung điều chỉnh thì nay phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, quy định cụ thể việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng. Hai là bãi bỏ giấy phép quy hoạch. Trước đây, tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu, việc lập quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư xây dựng có thể được căn cứ theo giấy phép quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để bảo đảm yêu cầu phát triển. Tuy nhiên thực tế có sự vận dụng tùy tiện, dẫn đến phá vỡ tính thống nhất của hệ thống quy hoạch - việc này sẽ không còn nữa vì đã bãi bỏ giấy phép về quy hoạch.

Bộ Xây dựng sẽ triển khai lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị để người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, giám sát quy hoạch.  Đặc biệt, nhằm đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Đề án đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị. Hệ thống phương pháp lý luận của chúng ta được xây dựng từ thời bao cấp đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc hoàn thiện phương pháp luận về quy hoạch và phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng, vì từ đó, sẽ có định hướng để sửa đổi các công cụ quản lý nhà nước liên quan, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Hà Lan