Bạn đọc viết

Minh bạch để cải thiện chỉ số

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 09:02 - Chia sẻ
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (The Global Competitiveness Report 2019) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trụ cột thể chế của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tăng 5 bậc so với năm 2018, đạt 49.8/100, xếp thứ 89/141 quốc gia. Trụ cột thể chế được đánh giá qua các chỉ số thành phần; mỗi năm các chỉ số thành phần được công bố khác nhau, chẳng hạn năm 2018, trụ cột thể chế có 20 chỉ số thành phần; năm 2019 có 26 chỉ số. Dù thêm hay bớt các chỉ số thành phần thì cũng có các chỉ số có tính chất cố định như an ninh; minh bạch ngân sách; quản trị cộng đồng…

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù điểm số và thứ hạng trụ cột thể chế của Việt Nam năm 2019 đã được cải thiện, nhưng đây vẫn là vị trí thứ hạng thấp và một số chỉ số không cải thiện như tội phạm có tổ chức; khủng bố; tự do báo chí; mức độ tham gia dịch vụ công trực tuyến; giải quyết xung đột lợi ích. Đáng lưu ý, mặc dù có một số chỉ số tăng so với năm 2018 như Chỉ số vốn xã hội tăng 11 bậc; Chỉ số độc lập tư pháp tăng 4 bậc; Chỉ số Hiệu quả của khung pháp lý trong việc phản biện các quy định pháp luật tăng 10 bậc; Chi phí tuân thủ pháp luật tăng 17 bậc… nhưng lại có không ít chỉ số giảm như tỷ lệ người chết do bị giết; mức độ tin cậy vào dịch vụ của ngành công an; tham nhũng; chất lượng hành chính đất đai…

Đối chiếu với cách xếp bảng trên với mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 thì thấy, có sự tương đồng đáng kể. Theo đó, các chỉ số của trụ cột thể chế đạt hạng thấp thì đều là những chỉ số chưa đạt được mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 02/NQ-CP; Chỉ số Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) và nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) đều không đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 02/NQ-CP đề ra - đây đều là những chỉ số đạt hạng thấp của Trụ cột thể chế. Cụ thể, năm 2019, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số kiểm soát tham nhũng của Việt Nam giảm 10 bậc so với năm 2018 (Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên từ 5 đến 10 bậc; năm 2019 từ 2 - 5 bậc); Chỉ số chất lượng hành chính đất đai giảm 2 bậc (Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai lên từ 5 đến 8 bậc; năm 2019 từ 2 - 3 bậc).

Kết quả đánh giá của tổ chức quốc tế, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP cho thấy, chỉ số đạt được điểm thấp - thực chất là điểm yếu của Việt Nam việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là sự công khai, minh bạch các thông tin về chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai; sự chưa thuận tiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính - mặc dù đây là lĩnh vực được quan tâm nhiều của các bộ, ngành, địa phương.

Phạm Hải