Hướng tới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Mê Linh vươn mình mạnh mẽ

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:58 - Chia sẻ
Chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) của thành phố Hà Nội đã gần cán mốc 10 năm. Cùng với các địa phương khác, huyện Mê Linh đã có những thành tích đáng ghi nhận, làm nên bức tranh nông thôn với những gam màu tươi sáng. Sự bứt phá, vươn mình mạnh mẽ đó là động lực để huyện tiếp tục gặt hái thành công hơn nữa.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. So với các huyện ngoại thành của Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật của huyện Mê Linh còn kém và thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng ở khu vực nông thôn. Khảo sát các tiêu chí NTM thời điểm đó cho thấy, toàn huyện chỉ đạt 1/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt thấp. Trong đó, khó khăn nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, như: Toàn huyện không có xã nào có trung tâm văn hóa xã; 9/74 thôn có nhà văn hóa thôn; 21/75 trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, là huyện thuần nông nên mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 8,64 %.

Khó khăn là vậy, song với sự quan tâm chỉ đạo của TP Hà Nội, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cùng với sự đồng lòng của người dân mà chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mê Linh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sau 10 năm, huyện đã đầu tư cơ bản đồng bộ các công trình điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã và hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm; đặc biệt, tỷ lệ đường giao thông toàn huyện được cứng hóa đạt khoảng 95%. Các tuyến đường giao thông trục, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng cùng với các công trình phúc lợi đã góp phần không nhỏ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của huyện. Đến nay, toàn huyện có 14/16 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành 7/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ đổi thay về hạ tầng, huyện Mê Linh đã có những bứt phá mạnh mẽ, nhất là trong sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực trụ cột kinh tế của huyện. Nhờ thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa nên huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Huyện cũng đã xây dựng được các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết chuỗi sản xuất. Toàn huyện hiện có 3 chuỗi có sản phẩm xuất khẩu, gồm: Sản phẩm rau ăn lá của HTX Đông Cao xuất sang Hàn Quốc; chuối của Công ty Xuất nhập khẩu Lam Thiệu xuất sang Trung Quốc; cây hoa cúc giống của Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội xuất sang Nhật Bản. Nhờ đó, mức thu nhập bình quân đầu người dự kiến hết năm 2019 đạt 45 triệu/người/năm.


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm gian hàng nông sản tại huyện Mê Linh
Ảnh: Đào Cảnh

Dân làm, dân hưởng lợi

“Có thể khẳng định, huyện Mê Linh đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong xây dựng NTM, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền huyện, xã đến từng người dân. Nhờ đó, trong quá trình thực hiện, huyện đã huy động được nhân dân chung sức xây dựng NTM bằng những việc làm thiết thực như: Hiến đất mở đường, đóng góp ngày công cùng hàng nghìn tỷ đồng để kiến thiết các công trình công cộng, đường giao thông nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của thành phố”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng

Trong suốt quá trình thực hiện Chương trình 02 từ năm 2010 đến nay, huyện Mê Linh đã huy động ngoài ngân sách đóng góp cho xây dựng NTM hơn 350 tỷ đồng. Không chỉ đóng góp ngày công tham gia xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, người dân trên địa bàn huyện Mê Linh cũng đóng góp bằng tiền, hiện vật, hiến đất để thực hiện các công trình công cộng. Sự hưởng ứng nhiệt tình đó là vì ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Mê Linh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng họ chính là chủ thể của chương trình xây dựng NTM với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”.

Gia đình ông Phạm Văn Xuyến (xã Liên Mạc) là một trong những gương điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM không chỉ ở Mê Linh mà ở cả thành phố Hà Nội. Trong 10 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, gia đình ông đã đóng góp 767 triệu đồng làm đường giao thông; xây cống, rãnh thoát nước; xây dựng nhà văn hóa xóm; cung tiến Lư đồng vào Đình thôn Bồng Mạc. Với vai trò là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Liên Mạc, ông Xuyến vận động các hội viên tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, trồng cây xanh để giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục - thể thao để nâng cáo sức khỏe, đời sống tinh thần cho hội viên và cộng đồng dân cư; đồng thời, động viên con cháu góp công, góp của để cùng địa phương xây dựng NTM. Ông Xuyến chia sẻ: “Được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào xây dựng NTM tôi thấy rất tự hào. Những đóng góp đó vừa vì sự phát triển của quê hương, vừa vì tương lai của con cháu chúng tôi sau này”.

Không chỉ gia đình ông Xuyến, trên địa bàn huyện Mê Linh có rất nhiều hộ đóng góp nhiệt tình sức người, sức của để xây dựng quê hương. Bởi vậy, trong những bài học kinh nghiệm về xây dựng NTM, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng luôn nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân; đồng thời, kế hoạch huy động nguồn lực cần phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trên cơ sở tự nguyện, không gượng ép, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng NTM

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 huyện Mê Linh vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện giữ vững thành quả đã đạt và tiếp tục nỗ lực thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: “Huyện Mê Linh cần tiếp tục thu hút nguồn lực xây dựng NTM, khai thác đa dạng các nguồn vốn, trong đó có nguồn từ đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng, hiện nay, Mê Linh đang nỗ lực đưa 2 xã cuối cùng là Tự Lập và Tam Đồng về đích NTM trong năm 2019. Đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp đạt 2,0% - 2,2%; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm; 100% số xã hoàn thành chương trình xây dựng NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian tới huyện sẽ tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu nông thôn, đồng bộ hệ thống chiếu sáng, tiêu thoát nước, cây xanh và cảnh quan môi trường. Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung các biện pháp phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm để người nông dân yên tâm canh tác. Bên cạnh đó, tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi để các hộ cận nghèo tiếp cận để đầu tư phát triển sản xuất, giúp thoát nghèo bền vững và duy trì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới ở mức 1,0%. Với những nhiệm vụ cụ thể và sát thực đó, huyện Mê Linh sẽ có những bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

ĐÀO CẢNH