Mây trắng vẫn bay về

- Thứ Hai, 26/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Là chủ đề cuộc “giao duyên” giữa di sản văn chương của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ với hội họa, điện ảnh, âm nhạc... Sau 30 năm hai nhà thơ tài hoa đi xa, những vần thơ của họ tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ. Sự cộng hưởng này sẽ được giới thiệu tới khán giả Hà Nội trong suốt một tuần tới.

Lấp lánh cảm hứng sáng tạo

Sáng 25.8, tại không gian Ơ Kìa Hà Nội art space, 360 Đê La Thành, Hà Nội, đã khai mạc chuỗi hoạt động “Mây trắng vẫn bay về” tưởng nhớ “hai người thơ Mây Trắng” Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã ra đi trong tai nạn thảm khốc tháng 8.1988. Trước đó, ngày 17.4, Ơ Kìa Hà Nội đã tổ chức đêm sinh nhật Lưu Quang Vũ, thu hút hàng trăm người tới dự và hòa chung vào những câu thơ còn lại với thời gian.

“Mây trắng vẫn bay về” diễn ra từ ngày 25.8 - 1.9, gồm các hoạt động văn chương, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc… tất cả đều được lấy cảm hứng từ tác phẩm và tinh thần của  Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Tham gia các sự kiện là những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ từng có nhiều kỷ niệm với hai nhà thơ, trong đó có nhà văn Đông Mai chị ruột của cố nhà thơ Xuân Quỳnh, đồng thời thời là tác giả cuốn sách “Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi”. Ban tổ chức cũng mở phòng thơ “Mây trắng” trưng bày các kỷ vật, bút tích, bản thảo... được sắp đặt dựa trên căn phòng của gia đình vợ chồng nhà thơ lúc sinh thời.

Ngoài ra, Tuần phim “1988 - Năm ấy phim gì” sẽ lựa chọn trình chiếu những bộ phim được sản xuất xoay quanh mốc thời gian năm 1988 - năm Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ mất, với sự tham gia trò chuyện, giao lưu của các đạo diễn, biên kịch, diễn viên trong phim. Đáng chú ý là buổi giới thiệu phim tài liệu “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại” và giao lưu với đạo diễn Nguyễn Thước tối 27.8, tại 639/39/39 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Là đạo diễn điện ảnh nhưng “yêu thơ và tìm mọi cách, mọi nguyên cớ để đưa thơ đến mọi người một cách đẹp đẽ nhất, trang trọng nhất”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người điều hành không gian Ơ Kìa Hà Nội chia sẻ: “Tôi mê thơ anh Vũ và mê tình yêu của chị Quỳnh. Tôi mê hai người thơ ấy. Nhưng lý do quan trọng nhất để tổ chức các hoạt động này là tôi thấy hai người đó xứng đáng trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những người sáng tác, không chỉ trong lĩnh vực văn chương. Không đặt ra thứ hạng nhà thơ, nhà văn xuất sắc hay nhà viết kịch tài ba, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy di sản đồ sộ của họ và lấp lánh cảm hứng ở đó”.


Tác phẩm điêu khắc động “Bầu trời trong quả trứng” của Lê Đình Nguyên Ảnh: Th. Nguyên

“Sau 30 năm anh chị tôi qua đời, thơ của họ vẫn có sức sống với các nghệ sĩ trẻ, với bạn đọc. Tôi rất vui khi những vần thơ ấy đã gợi cảm hứng cho các họa sĩ tài năng thể hiện tác phẩm của mình” - TS. Lưu Khánh Thơ, em gái cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chia sẻ. “Qua tác phẩm hội họa, các tứ thơ, ý tưởng của anh chị tôi được thể hiện sinh động và khắc họa rõ nét hơn. Có thể thấy ở đó sự cộng hưởng mạnh mẽ, bởi những điều anh chị gửi gắm đã được cảm nhận và thể hiện bằng hình khối, màu sắc sống động”.

Cảm nhận thơ bằng màu sắc, hình khối

Trưng bày “Se sẽ chứ” là hoạt động mở màn cho chuỗi hoạt động, giới thiệu tác phẩm dựa trên nguồn cảm hứng từ tác phẩm của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, của các họa sĩ, nhà điêu khắc: Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà, Phạm Hà Hải, Đỗ Hằng, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Lê Đình Nguyên, Nguyễn Viết Thắng, Vũ Ngọc Vĩnh và Hoàng Phượng Vỹ.

Dành liên tục 4 ngày 4 đêm thực hiện điêu khắc động “Bầu trời trong quả trứng”, với “bầu trời màu nâu” trên cảm hứng bài thơ nổi tiếng cùng tên của Xuân Quỳnh và liên tưởng đến căn phòng 9m2 của hai vợ chồng nhà thơ trên phố Huế, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên chia sẻ: “Tôi xúc động vì Xuân Quỳnh. Một nhà thơ - Một người mẹ. Thơ của chị Quỳnh gần và dễ thuộc. Nên tác phẩm của tôi là một điêu khắc động dễ gần và ai cũng có thể “chơi” với nó. Như món quà của người mẹ dành cho con”. Tại trưng bày, nhiều người thích thú nhìn ngắm, xoay quanh tác phẩm để đọc những vần thơ bên trong quả trứng, cũng như bút tích của nhà thơ Xuân Quỳnh ở phần thân tác phẩm.

“Tôi không minh họa cho thơ. Hai người đó, họ đủ sáng để không cần ai phải minh họa lại. Vả lại tranh ấy mà, nó cũng là một dạng thơ. Nó tựa như vần thơ. Tranh mà không có thơ thì chán lắm” - họa sĩ Đào Hải Phong cho biết. Anh góp mặt với bức sơn dầu mang tên “Vô đề”. Trong khi đó, lấy cảm hứng từ câu thơ “Ta ghé cửa nhà ai xin lửa”, họa sĩ Lê Thiết Cương thổ lộ: “6X chúng tôi đều đọc thơ và xem kịch của Lưu Quang Vũ. Kịch của Lưu Quang Vũ nhiều tính thời sự, mang tinh thần “mở miệng” vào lúc ấy. Thơ Lưu Quang Vũ khát khao hiện đại nên khi vẽ trên cảm hứng đó, tôi thấy hợp với tạng tối giản của mình... Từng làm các dự án về thơ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ làm cuộc trưng bày các tác phẩm dựa trên cảm hứng thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Tiếc là thời gian cho trưng bày này quá ngắn. Hy vọng sẽ được tiếp tục vào năm sau, bởi độ dài rộng của thơ Lưu Quang Vũ”…

Tìm đến các nghệ sĩ, mời họ tham gia sáng tác trên cảm hứng thơ của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, ban đầu có người nhận lời ngay, có người còn ngần ngại trước dự án “viển vông” này. Tuy nhiên, từ sự mến mộ, sự hiểu và cảm hứng từ những bài thơ ấy, các họa sĩ đã tạo nên những tác phẩm có sự cộng hưởng giữa tinh thần và di sản văn chương với ngôn ngữ của hội họa và điêu khắc. Từ đó, các tác phẩm mang tới cho khán giả những vần thơ trong hội họa, và đưa họ trở lại cảm nhận hội họa trong thơ ca.

Thảo Nguyên