Mạnh tay với dự án “treo”

- Thứ Hai, 14/09/2020, 07:09 - Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý về phản ánh có tới 300 dự án “treo”, bỏ hoang ở nhiều quận, huyện của TP Hà Nội khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, gây lãng phí tài nguyên đất.

Thực tế, không riêng Hà Nội, mà tình trạng “ôm đất vàng” hàng chục năm không triển khai dự án đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Đã có lúc, cả nước có tới hàng nghìn dự án chậm triển khai và quy hoạch “treo” với tổng diện tích hàng trăm nghìn hecta đất. Hệ quả của dự án chậm triển khai, quy hoạch “treo” là vô cùng lớn đối với nền kinh tế - xã hội. Thiệt hại về vật chất ước tính lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng vấn đề lớn hơn là những tác động tiêu cực của nó đến xã hội, gây lãng phí, cản trở sự phát triển, làm nảy sinh mâu thuẫn mà phổ biến là phản ứng có lúc đến mức quyết liệt của người dân, dẫn đến tình hình khiếu kiện kéo dài…

Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do chủ đầu tư không đủ năng lực, tài chính, kinh nghiệm nhưng vẫn cố tình “lách” để có được dự án. Cũng có nguyên nhân từ việc trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, chủ đầu tư triển khai dự án rầm rộ nhưng khi trầm lắng, doanh nghiệp bỏ đất chờ thời cơ. Hay do quy hoạch chồng chéo không thống nhất nên không thể thực hiện. Rồi bắt nguồn từ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và trong khi dự án bắt đầu triển khai còn buông lỏng, chưa có chế tài đủ mạnh. Tiếp đó là sự thay đổi về chính sách, trong đó có chính sách giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư.

Mặc dù theo quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư 2014, sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất hàng chục năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Đơn cử như dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. UBND TP Hà Nội đã thu hồi 351.618m2 đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao cho Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) từ năm 2004. Thế nhưng đã 16 năm trôi qua kể từ khi dự án được phê duyệt, khu đô thị mới Thịnh Liệt vẫn án binh bất động.

Năm 2019, TP Hà Nội đã có động thái kiên quyết thu hồi 28 dự án không triển khai với tổng diện tích hơn 1.700ha; 24 dự án chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng được TP đưa vào xem xét gia hạn 24 tháng. Tuy nhiên, theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 11 cuối năm ngoái, thành phố vẫn còn hơn 350 dự án sử dụng đất chậm triển khai. Không thể phủ nhận, việc “nể nang” trong xử lý các dự án treo đã khiến tình trạng này kéo dài. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của TP Hà Nội, lãng phí hàng triệu mét vuông đất, nguồn tài nguyên quý giá và ảnh hưởng đời sống của người dân trong vùng dự án.

Để tránh lãng phí tài nguyên đất, giảm bức xúc trong dư luận, đòi hỏi chủ trương này cần phải được thực hiện rốt ráo hơn nữa, minh bạch hơn nữa. Đặc biệt, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố cần sớm tìm hướng xử lý, tháo gỡ trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan để tạo điều kiện cho các đơn vị đưa đất vào sử dụng. Đối với những dự án mà doanh nghiệp cố tình chây ì, không thực hiện, vi phạm Luật Đất đai nhưng không khắc phục, thành phố cũng cần mạnh tay kiên quyết thu hồi dự án. Tránh tình trạng giao đất cho những chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, sau đó không có khả năng triển khai hoặc không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.

Nhiều chuyên gia đề nghị, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng. Về lâu dài, để những dự án “treo” không tiếp tục nối dài danh sách, cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa có lợi, vừa hạn chế được những nhà đầu tư không đủ năng lực cố tình nhận dự án.

Duy Anh