Mạnh dạn trao quyền cho trường phổ thông

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:30 - Chia sẻ
Một thời gian dài, cả nước thực hiện một chương trình và một bộ sách giáo khoa, theo kế hoạch dạy học thống nhất... đã dẫn tới sự rập khuôn, máy móc, không phát huy được vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục của các vùng miền khác nhau. Chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, theo các chuyên gia, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường vô cùng quan trọng.

“May áo chung sẽ có người rộng, người hẹp”

Tại Tọa đàm “Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học”, do Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS. Phạm Đức Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia nhận định: “Trước kia nước ta quản lý theo kiểu phân phối chương trình, thực chất là “may áo giáo dục chung” cho cả nước, nên chắc chắn có người bị rộng, có người bị hẹp, giờ buộc phải thay đổi”. Hiện nay, tùy theo quan niệm của mỗi nước, chương trình giáo dục được phân cấp quản lý và phát triển theo các cách thức khác nhau. Xu hướng chung của nhiều nước là phân cấp chương trình theo cả nước có một chương trình giáo dục quốc gia, và mỗi địa phương có chương trình riêng phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình. Trong chương trình địa phương thì quan trọng nhất là chương trình nhà trường. Đây chính là chương trình chi phối việc soạn thảo kế hoạch dạy học của mỗi giáo viên.

Tại Việt Nam, theo TS. Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời trước những đòi hỏi của thực tế, ngày 25.6.2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số  791/BGDĐT thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông. Qua 6 năm thực hiện, việc giao quyền tự chủ trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và giáo viên đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kiểm tra đánh giá... Tuy nhiên, do chưa được trang bị những hiểu biết cần thiết về lý luận cũng như kinh nghiệm xây dựng, quản lý và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường; việc thực hiện thiếu đồng bộ của nhiều yếu tố thuộc quá trình dạy học... đã dẫn tới ở một số nơi, việc phát triển kế hoạch giáo dục thiếu định hướng, cắt xén nội dung tùy tiện, nghiêng nhiều về luyện thi, chạy theo kết quả kiểm tra...

Hoạt động giáo dục thích hợp và thiết thực

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có chuẩn đầu ra là kiến thức, kỹ năng, và quan trọng là rõ ràng từng bài, từng yêu cầu kiến thức, số tiết, có sách giáo khoa tương ứng. Trong khi đó, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, rất cần xây dựng kế hoạch nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, cho phép các hiệu trưởng, giáo viên chủ động, sáng tạo, xây dựng chương trình dạy học phù hợp với tâm lý lứa tuổi cũng như trình độ học sinh... Sắp tới, Bộ sẽ ban hành quy định về quản lý trường phổ thông theo hướng tự chủ, trong đó có tự chủ chương trình.

Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu thực tiễn xã hội cũng như nhu cầu phát triển của nhà trường, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường từ năm 2014. Hiệu trưởng nhà trường Hà Xuân Nhâm chia sẻ: Với quan điểm “chất lượng cao có nghĩa là không ngừng nâng cao chất lượng”, nên xây dựng kế hoạch giáo dục là hoạt động then chốt để nhà trường triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp. Những năm vừa qua, nhà trường nỗ lực hoàn thiện kế hoạch giáo dục, đem đến nội dung, hình thức, hoạt động giáo dục thích hợp, và ngày càng thiết thực hơn với học trò. Việc biên soạn chương trình giáo dục nhà trường căn cứ vào chương trình giáo dục THPT quốc gia, cơ sở vật chất, đội ngũ; từ đó, các bộ môn kết hợp để xây dựng các chủ đề đơn môn, liên môn, thiết kế các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, lồng ghép đưa các môn giá trị sống, kỹ năng sống, văn hóa đọc...

Cùng tham gia thực hiện thí điểm, Hiệu trưởng Trường PTLC Olympia Phạm Minh An cho biết: “Mỗi trường có đối tượng học sinh, mục đích, đầu ra khác nhau, xây dựng chương trình kế hoạch nhà trường là tất yếu. Tuy nhiên, giáo dục là loại hình hoạt động đặc thù, người sản xuất lẫn “nguyên vật liệu”, đầu ra đều là con người, tính linh hoạt là rất cao, nên phải thường xuyên điều chỉnh. Ở Olympia, bộ chương trình nhà trường gồm chương trình tổng thể, sau đó đến chương trình của lớp học, mỗi khối lớp, giáo viên sẽ tiếp tục phát triển chương trình giáo dục...”.

Thực tế, ngoài một số trường tham gia thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Vũ Đức Thọ, các trường rất ít xây dựng chương trình giáo dục, hoặc có nhưng ít sử dụng. Giáo viên quen lệ thuộc vào sách giáo khoa, nên chưa quen với nội dung tích hợp, tổ chức hoạt động nhóm, hoặc hợp tác để tổ chức liên môn... Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành góp ý: Để nhân rộng, cần chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, kết nối lý luận, chính sách pháp lý, và triển khai tập huấn bồi dưỡng để các trường xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng nâng cao năng lực và phẩm chất người học. Bên cạnh đó, cần giải quyết vướng mắc về giáo viên, và cơ chế tài chính để nhà trường có đủ nguồn lực thực hiện.

Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lê Duy Tân cho rằng, không lo thiếu giáo viên và kinh phí, nhưng thiếu hành lang pháp lý thì “bó tay”. Đơn cử, quy định cứng về nguồn lực, kinh phí, biên chế, số tiết học... thì không thể làm được tích hợp ở THCS và vướng việc tự chọn ở THPT. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT...

Thảo Nguyên