Mang phim tranh giải xứ người

- Thứ Ba, 17/09/2019, 07:54 - Chia sẻ
Liên hoan phim quốc tế là sự kiện được nhiều người trong ngành điện ảnh chờ đón và tham dự hàng năm. Đây là cơ hội điểm mặt so tài của các nhà làm phim. Tuy nhiên, mang phim đến liên hoan và giành giải là điều không dễ dàng và không phải giải thưởng nào cũng đem lại uy tín cho êkíp làm phim.

Cơ hội bước ra sân chơi lớn

Liên hoan phim (LHP) được tổ chức từ những thập niên đầu thế kỷ XX, đến nay, mỗi năm có hàng trăm bữa tiệc điện ảnh diễn ra trên khắp địa cầu, với nhiều quy mô, hình thức khác nhau. Giới chuyên môn còn phân chia các đại hội điện ảnh này thành nhiều thứ hạng, với lịch sử, uy tín, giải thưởng không giống nhau. Một số LHP được xếp hạng nhất, mà đầu bảng có lẽ phải là 3 tên tuổi danh giá ở châu Âu: Cannes (Pháp - tổ chức từ năm 1939) với giải cao quý nhất là Cành cọ vàng, Venice (Italy - từ năm 1932) với giải Sư tử vàng và Berlin (Đức - từ năm 1951) với giải Gấu vàng…

Các thập kỷ sau này xuất hiện thêm nhiều liên hoan phim ở các thành phố lớn khắp các châu lục, như một sự kiện, cơ hội quảng bá và thu hút khách du lịch rất tốt cho các điểm đến và quốc gia đăng cai. Ngoài việc đưa phim ra rạp, có tác phẩm tham gia LHP quốc tế và giành giải thưởng là mong muốn của nhiều nhà làm phim, nhằm khẳng định tài năng, giá trị tác phẩm. Đây cũng là cơ hội để nền điện ảnh một quốc gia được chú ý.


Nhiều phim Việt Nam đã được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế

Thời gian gần đây nhiều nhà làm phim Việt Nam đã đưa tác phẩm tham gia các đại hội điện ảnh thế giới. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 năm (2014 - 2018), 161 phim Việt Nam đã tham dự 49 LHP quốc tế, và giành một số giải thưởng, như phim “Đập cánh giữa không trung” - giải Phim hay nhất của Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải tại LHP quốc tế Venice, Italy năm 2014, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Bratislava, Slovakia năm 2014; “Đảo của dân ngụ cư”, giải Câu chuyện sáng tạo nhất (Best Story), LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 diễn ra tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), giải Phim xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất, Giải Đặc biệt của Giám khảo tại LHP quốc tế Á - Âu Eurasia 2017; “Cha cõng con”, giải Phim châu Á hay nhất tại LHP quốc tế Teheran, Iran năm 2018; giải Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất và Quay phim ấn tượng nhất tại LHP quốc tế Arizona lần thứ 26 tại Touson, Mỹ... Gần đây nhất, “Thưa mẹ con đi” - tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và “Anh trai yêu quái” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng được mời góp mặt ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á tại LHP quốc tế Busan, Hàn Quốc, diễn ra từ ngày 3 - 12.10.

Theo nhiều nhà chuyên môn, phim Việt mới chỉ đạt thành công ở một số LHP quốc tế trung bình, chưa phải là những LHP “hạng A” thế giới. Tuy nhiên, việc tham gia các LHP vừa tầm, tiến tới các LHP nổi tiếng của khu vực châu Á có thể coi là hướng đi đúng, tạo cơ hội cho các đạo diễn Việt thêm nhiều trải nghiệm khi bước ra sân chơi lớn hơn.

Chọn mặt gửi vàng

Cuộc so tài trong thế giới điện ảnh cũng vô cùng gay cấn. LHP quốc tế càng danh giá thì số lượng phim gửi dự thi càng nhiều, tuyển lựa càng khó khăn, phim được chọn phải vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ phim khác. Ngược lại, các LHP nhỏ thì việc mời gọi phim không dễ, và phim đạt giải cũng không được nhiều người để ý.

Theo ông Raymond Phathanavirangoon - cựu giám tuyển LHP quốc tế Toronto, đại diện tại châu Á của hạng mục Tuần lễ Nhà phê bình tại LHP Cannes và hiện là giám đốc điều hành khóa phát triển phim truyện SEAFIC, mỗi LHP quốc tế có “khẩu vị”, tiêu chí tuyển chọn phim khác nhau. Ví như đối với các LHP hạng nhất, phim gửi dự thi bắt buộc phải là phim mới, chưa từng dự thi ở bất cứ LHP quốc tế nào, trong khi một số LHP không có điều khoản bắt buộc này. Do đó, nhà làm phim phải hiểu rõ về LHP và chọn tác phẩm tham dự phù hợp, nhằm đem lại hiệu quả cộng hưởng lớn, khả năng thành công cao. Bên cạnh đó, để phim đến được các LHP lớn, được truyền thông và các nhà phê bình quốc tế chú ý… tốn không ít kinh phí, nên càng phải tính toán trong hành trình mang phim tranh giải.

Có thể thấy, phim Việt Nam tham gia LHP quốc tế thời gian qua là phim tác giả, phim nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tiễn trên thế giới, không phải cứ các dòng phim này mới có thể tranh tài. Bởi nhiều quốc gia không phân biệt rõ ràng ranh giới phim nghệ thuật hay phim thương mại. Nhiều phim bom tấn của Hollywood vẫn là những cái tên sáng giá trong hạng mục tranh giải tại các LHP uy tín. Bên cạnh đó, cũng không phải cứ phim nghệ thuật là ngân sách thấp, doanh thu thấp. Ví dụ gần nhất là “Ký sinh trùng” của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho, đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes. Không chỉ thành công ở LHP mà còn thành công ở phát hành với độ phủ tới 203 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Hàn Quốc có hơn 10 triệu vé bán ra. Ở Việt Nam, phim phá kỷ lục phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại…

Ông Raymond Phathanavirangoon cho rằng, các nền công nghiệp điện ảnh phát triển, các hãng phim lớn không thực sự quan tâm đạo diễn làm phim thương mại hay phim nghệ thuật, mà họ tìm kiếm tài năng trẻ, có tầm nhìn, góc thể hiện độc đáo. Nhiều người không đến LHP quốc tế để so tài, mà nhằm lựa chọn các nhà làm phim tài năng, có cá tính qua cơ hội xem nhiều bộ phim từ các đạo diễn trên toàn thế giới.

Do vậy, không chỉ tranh giải, LHP quốc tế còn mang lại cho các đạo diễn nhiều cơ hội từ việc bán phim tới nhiều thị trường, được trao cơ hội thực hiện các dự án điện ảnh lớn hơn. Điều này càng biến LHP quốc tế trở thành bữa tiệc hấp dẫn cho người làm nghề điện ảnh toàn thế giới.

Thảo Nguyên