Mạn đàm về triết lý giáo dục

- Thứ Tư, 07/11/2018, 07:51 - Chia sẻ
Tại hai kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong các phiên thảo luận hay chất vấn và trả lời chất vấn về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như thành viên Chính phủ đã đề cập đến triết lý giáo dục và đặt ra câu hỏi: Triết lý giáo dục là gì? Ở Việt Nam có triết lý giáo dục không? Có phải vì không có triết lý giáo dục mà chúng ta lúng túng trong cải cách giáo dục không?

Mặc dù là người “ngoại đạo”, nhưng đã từng đi học và hiện có các con, cháu vẫn đang đi học, đồng thời cũng là một cử tri nên tôi xin được tham gia mạn đàm về phạm trù này.

Phải chăng có thể hiểu sơ lược triết lý giáo dục chính là quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội đối với giáo dục. Hay đơn giản hơn là nhận thức, cách thức về giáo dục hay phương pháp luận về mục tiêu và phương pháp giáo dục. Mỗi thời đại, mỗi chế độ đều có triết lý giáo dục phù hợp với thời đại, thời kỳ phát triển đó. Mục tiêu giáo dục khác nhau thì phương pháp giáo dục khác nhau. 

Chế độ phong kiến Việt Nam cũng có triết lý giáo dục. Khi đạo Nho thịnh hành, cùng với sự giao thoa của văn hóa phương Bắc thì chế độ phong kiến cũng đặt ra quan niệm ngũ thường Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín để đào tạo con người. Nhưng cái lớn nhất mà Nho giáo muốn đạt được là tạo ra ý thức trung quân, ái quốc để phục vụ cho chế độ phong kiến. Sĩ phu là người có học, phải biết tu thân, tề gia, thì mới có thể trị quốc, bình thiên hạ… Phương pháp thì thụ động, ít tư duy sáng tạo, dựa trên nền tảng thuộc lòng, dùi mài kinh sử, giáo điều. Mặc dù vậy, nền giáo dục Nho giáo cũng đạt được những thành tựu nhất định. Nền giáo dục nặng về Nho giáo đó vẫn không thể xóa nhòa được nền văn hóa với giá trị truyền thống của con người Việt Nam, như GS. Trần Văn Giàu đã nói: Con người Việt Nam là con người yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, vì nghĩa, thương người, lãng mạn.

Chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến coi người dân là nô lệ, nhà cầm quyền duy trì một nền giáo dục phục vụ cai trị, hướng vào tầng lớp con cái quan lại, nhà giàu để phân hóa xã hội, làm cho con người quên đi giống nòi, ca ngợi mẫu quốc, cam chịu cuộc đời nô lệ, phục vụ cho sự đô hộ, cai trị của thực dân Pháp.

Ngay khi nước nhà giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Bác Hồ coi đây là một nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay bên cạnh việc chống giặc ngoại xâm.

Hai hôm sau, ngày 5.9.1945, trong “Thư gửi cho học sinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam”. Người còn chỉ ra rằng, quan hệ cao đẹp nhất giữa người với người trong xã hội “mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người”. Phương pháp giáo dục của Người là “học đi đôi với hành”, thầy giáo và học sinh phải “dạy tốt, học tốt”. Cho tới trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết’’. 

Điều đó khẳng định từ ngày 2.9.1945 chúng ta đã định hình mục tiêu xây dựng một con người mới của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, con người mà nền giáo dục Việt Nam hướng tới là “công dân hữu ích cho đất nước”. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công, đất nước được thống nhất, đi lên Xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đưa ra khái niệm “con người mới Việt Nam là con người phát triển toàn diện, có cuộc sống tập thể và cá nhân hài hòa, phong phú”.

Cũng có người cho rằng triết lý giáo dục nằm ở những con người mà hệ thống giáo dục đó tạo ra. Hay nói cách khác, triết lý giáo dục được tìm thấy trong việc trả lời câu hỏi mấu chốt nhất: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người như thế nào? Nghị quyết 29 của Trung ương (Khóa XI) đã chỉ rõ, phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tôi cho rằng đây chính là mục tiêu của triết lý giáo dục thời đại hiện nay.

Câu chuyện ở đây là mục tiêu rất rõ ràng, vậy thì phương pháp giáo dục thế nào để đáp ứng mục tiêu đó? Các nhà giáo dục nổi tiếng như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Thị Bình… Cùng với nhiều nhà giáo dục khác với tâm huyết cả cuộc đời đi tìm một nguyên lý giáo dục, một phương pháp giáo dục tốt nhất để đạt được mục tiêu đó: Học đi đôi với hành, học gắn với giáo cụ trực quan, coi trọng giáo dục lao động, hướng nghiệp, giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, học phải lấy hiệu quả là chính, học phải thiết thực, gắn với cuộc sống, tránh nhồi nhét, phù hợp với từng cấp học, người học, tránh chồng chéo, trùng lặp… Chính nhờ sự cố gắng ấy, có triết lý giáo dục đó mà chúng ta có một nền giáo dục, thành quả như hiện nay.

Tôi rất tâm đắc với nguyên tắc căn bản của hệ thống giáo dục của Anton Makarenko (1888 - 1939), nhà giáo dục học nổi tiếng của Liên Xô trước đây, tác giả của “Bài ca sư phạm” bất hủ, khi đề cao sự kết hợp giữa lòng tôn trọng giá trị con người và những yêu cầu cao đối với con người trong giáo dục.

Trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nền giáo dục nước ta chắc chắn phải có sự đổi mới mạnh mẽ trong mục tiêu và phương pháp giáo dục để hình thành những con người mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại mới, không chỉ là con người mới xã hội chủ nghĩa mà còn tiến tới là công dân toàn cầu

Tôi hoàn toàn đồng tình với nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình trong cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước“ khi bà cho rằng khoa học giáo dục là một khoa học khó và phức tạp vì nó liên quan đến sự phát triển của con người, từ tuổi thơ ấu đến trưởng thành. Do vậy, cần phải có những chủ trương đúng đắn về phát triển giáo dục, dựa trên chương trình, phương pháp dạy và học tốt. Cho dù mục tiêu rõ ràng nhưng phương pháp khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Ví dụ, môn học lịch sử là một minh chứng rõ ràng khi phương pháp chưa đưa lại kết quả mong muốn, làm cho môn lịch sử trở nền nhàm chán, không thu hút được học sinh, trong khi đây là môn học giáo dục lòng tự hào, ý chí quật cường của dân tộc qua những trang sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước vốn từng được nhiều thế hệ học sinh yêu thích bởi chính vì môn học đó đã sử dụng phương pháp dạy khoa học, mang hơi thở của dân tộc, của thời đại, với nhiều hình thức phong phú cho mọi tầng lớp, thậm chí cho cả những người chưa biết chữ như hình thức diễn ca, lịch sử diễn tả bằng tranh…

Chúng ta đã có một triết lý giáo dục, một mục tiêu giáo dục đúng đắn, rõ ràng, nếu còn lúng túng thì có lẽ là phương pháp giáo dục chưa hợp lý trong tình hình hiện nay. 

Phùng Văn