Bạn đọc viết

“Made in Vietnam” và những “lỗ hổng”

- Thứ Bảy, 06/07/2019, 07:33 - Chia sẻ
Chưa khi nào người tiêu dùng Việt Nam lại bị rơi vào “ma trận” của hàng “Made in Vietnam” như hiện nay. Gần như không thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam chính hãng… hoặc được gắn mác. Điều này đã gây hậu quả trực tiếp đến người tiêu dùng và làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.

Mới đây, các cơ quan chức năng liên quan đang cùng phối hợp xác minh thông tin Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại thị trường trong nước. Đáng chú ý, còn xuất hiện nghi vấn doanh nghiệp này sau khi nhập linh kiện từ Trung Quốc về đã xé nhãn mác, gắn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa, đánh lừa người tiêu dùng.

Hay như sự việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam”. Theo đó, từ năm 2012, Khaisilk không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, mà chủ yếu mua các thành phẩm từ cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn mác.

Dù rằng, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.2017. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Tuy nhiên, việc chưa có các quy định cụ thể điều chỉnh hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam đang tạo ra lỗ hổng lớn. Cho dù các quy định hiện hành đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng thông tin, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Chưa kể, Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP và rất nhiều Hiệp ước FTA, trong đó quy định rõ, hàng được đóng mác “Made in Vietnam” là phải có 35 - 55% là linh kiện sản xuất nội địa thì mới được dán mác. Tuy nhiên, ở trong nước lại chưa có quy định, tiêu chí rõ ràng về “xuất xứ” hay “sản xuất”. Chính quy định còn lỏng lẻo như vậy đã có nhiều trường hợp hàng hoá được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài, gắn mác “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Tình trạng trên không chỉ đơn thuần vì mục đích giảm giá thành mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài, đồng thời hưởng lợi bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân cung cấp là hành vi bị cấm. Khi có quy định rõ ràng, doanh nghiệp có cơ sở xác định gắn mác “Made in Vietnam” lên sản phẩm. Do đó, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam” - “made in Vietnam” là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, giúp hàng hóa Việt Nam khẳng định chất lượng và chỗ đứng trên thị trường.

Vân Phi