Tản mạn

Ly hôn

- Thứ Ba, 02/04/2019, 07:55 - Chia sẻ
Suy cho cùng, hôn nhân là một khế ước và ly hôn là thanh lý, chấm dứt hợp đồng. Và cảm xúc hay lý trí vẫn là chuyện mà người ngoài không thể phán xét.

Hồi còn thực tập ở tòa dân sự, vụ ly hôn đầu tiên trong kỳ thực tập mà thẩm phán hướng dẫn tôi thụ lý, và cho tôi cùng ngồi lấy lời khai đương sự, là của một ca sĩ nổi tiếng. Sau đó có vài vụ nữa.

Trong án dân sự, thẩm phán được quyền điều tra (tài sản, tình trạng bạo lực gia đình và các yếu tố làm căn cứ tuyên án...), thỉnh thoảng, tôi cũng được cho đi cùng.

Hôn nhân chấm dứt khi mục đích hôn nhân của nó không đạt. Nhưng thế nào gọi là mục đích hôn nhân không đạt, tình trạng hôn nhân trầm trọng?

Theo Nghị quyết số 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (quy định này đã hết hiệu lực thi hành nhưng vẫn được sử dụng với tính chất định hướng thực tiễn xét xử) thì tình trạng hôn nhân được coi là trầm trọng khi: Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau...; luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau...; vợ chồng không chung thủy...

Tôi thấy điều đó đúng, nhưng thực tế mênh mông hơn thế.

Bạn tôi, lấy ông chồng Mỹ, chỉ vì thích nhau và... thích nuôi chó. Họ sống hạnh phúc 20 năm nay dù không có con chung.

Bạn tôi, hai vợ chồng tiến sĩ, ai cũng có tâm hồn trong mắt mọi người xung quanh, nhưng họ không đọc thấy điều đó trong mắt nhau, đúng một năm chia tay.

Hồi tôi qua Đài Loan, gặp cỡ 20 cô gái miền Tây lấy chồng bên đó. Họ hạnh phúc (tình trạng bị chồng đánh chắc chắn ít hơn nhiều lần nếu so với lấy chồng dưới quê). Họ nói: “Đòi gì nữa anh, có tiền xây nhà tường cho ba mẹ, mỗi tháng dành dụm vài trăm đô gởi về quê. Làm con gái chỉ mong có vậy. Lấy chồng ở quê cũng không yêu, mà nó nghèo và nhậu say nó đánh như đấm bao cát, làm sao bằng chồng Đài!”.

Có cô giáo tôi biết, bỏ ông chồng phó một phòng cấp huyện để lấy anh thợ mộc trẻ hơn cùng xóm, vì anh này giúp cô các việc nhà. Anh thợ mộc nuôi luôn cả hai con của vợ. Tới giờ, anh chồng cũ là Phó Chủ tịch huyện, cô giáo nói cô chưa hề tiếc.

Lý luận về Luật Hôn nhân và Gia đình cho rằng mục đích cơ bản nhất và quan trọng nhất của đời sống hôn nhân là việc sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, qua đó góp phần duy trì nòi giống, bảo đảm tương lai tồn tại của cả một dân tộc.

Thực ra, trong một cuộc hôn nhân, mỗi người có mục đích của họ. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh, nhận thức, cả cá tính và tư duy, vào thời điểm kết hôn và thời đại họ sống. Mà đã vậy, không sống được thì chia tay còn hơn chịu đựng nhau. Một đương sự khi tôi lấy lời khai nói rằng chồng em tốt, chăm lo gia đình, chỉ là em không còn cảm xúc để chung sống. Tôi nghĩ, lời trình bày của cô ấy ổn. Cho dù nếu cô ấy nói dù không yêu chồng, em vẫn sống vì con em cần có điều kiện kinh tế tốt mà em không lo nổi, thì cũng ổn nốt.

Suy cho cùng, cảm xúc hay lý trí vẫn là chuyện mà người ngoài không thể phán xét. Dùng đạo đức để phán xét người khác trong chuyện ly hôn cũng trật.

Suy cho cùng, hôn nhân là một khế ước và ly hôn là thanh lý, chấm dứt hợp đồng. Chọn con đường pháp luật để chấm dứt hợp đồng là đạo đức, là văn minh mà!

Đức Hiển