Bạn đọc viết

Lý do chính đáng là lý do gì?

- Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:08 - Chia sẻ
Khoản 3, khoản 4, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, lưu trữ cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án, Viện Kiểm sát. Trường hợp không cung cấp đầy đủ chứng cứ theo yêu cầu trong thời hạn 15 ngày thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Tuy nhiên, nếu lý do không chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Thực tiễn pháp lý cho thấy, quy định này rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn tố tụng, bởi trong rất nhiều vụ việc, chứng cứ quan trọng có liên quan có thể không phải do đương sự nắm giữ mà do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nắm giữ, do đó, nếu đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát không được giao quyền này thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án. Trong thực tiễn áp dụng, khi các đương sự không thể tự mình thu thập các tài liệu, chứng cứ mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ để cung cấp cho Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ. Khi Tòa án đã ra quyết định yêu cầu các bên lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định nhưng nhiều trường hợp các bên vẫn chậm cung cấp hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu thì phải trả lời bằng văn bản và phải có lý do chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về lý do chính đáng là những lý do như thế nào dẫn đến việc khó áp dụng vào thực tiễn. Cũng chính vì thế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ tài liệu, chứng cứ nếu muốn từ chối hoặc kéo dài thời gian cung cấp thì có thể tạo ra nhiều lý do khác nhau mà cơ quan có thẩm quyền cũng khó xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiên quyết trong áp dụng các chế tài theo quy định tại khoản 3, Điều 106 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để xử lý các hành vi chậm trễ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức mà thay vào đó lại ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chờ văn bản trả lời của các bên lưu trữ tài liệu chứng cứ dẫn đến việc các vụ án bị kéo dài nhiều năm vì không có đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án. Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức từ chối việc cung cấp tài liệu, chứng cứ với lý do vi phạm nguyên tắc hoạt động. Việc quy định thiếu chặt chẽ đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án.

Thực tế áp dụng pháp luật về việc yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ cho thấy những xung đột pháp luật giữa Bộ luật Tố tụng Dân sự và quy định của luật chuyên ngành. Theo đó, cần phải có văn bản hướng dẫn để tránh những xung đột pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ những lý do nào được xem là lý do chính đáng hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là lý do chính đáng và tăng cường các chế tài trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu.

Nguyễn Ngân