Lương của Nghị sỹ Đức: Trả lương cho nghị sỹ - hệ quả của tiến trình dân chủ

- Thứ Sáu, 30/01/2009, 00:00 - Chia sẻ
Việc dân chủ hóa quyền bầu cử đã dẫn đến nhu cầu phải trả tiền công cho các nghị sỹ. Nghị sỹ dần trở thành một “nghề” trong xã hội, với trọng trách đặc biệt cùng với chế độ lương bổng đặc biệt.

      Giai đoạn đầu, chỉ có công dân độc lập về mặt kinh tế mới có thể được bầu vào nghị viện. Vì vậy, ở giai đoạn này, nghị sỹ không cần được trả lương. Chức danh nghị sỹ là chức danh mang tính danh dự. Nhưng sau đó, cùng với việc áp dụng quyền ứng cử cho tất cả các tầng lớp nhân dân, nhu cầu phải trả tiền chi phí phát sinh từ việc thực hiện chức danh nghị sỹ (hoạt động phí) được đặt ra. Bởi nếu không trả lương cho nghị sỹ thì chỉ có công dân có tài sản mới có thể đảm nhiệm được chức danh này, chỉ những người giàu có mới có khả năng tự trang trải các chi phí cần thiết cho việc đi lại, ăn ở và các chi phí khác liên quan đến việc thực hiện chức danh nghị sỹ. Do đó, theo quy định, quyền ứng cử là bình đẳng đối với mọi công dân, nhưng trên thực tế đây có lẽ chỉ là đặc quyền của người giàu có. Sự bình đẳng của các nghị sỹ về mặt nội dung chỉ đạt được, nếu việc trả công được bảo đảm.
      Tuy nhiên, quy định về trả công cho nghị sỹ đã gặp phải sự phản đối trong thời gian dài. Người ta cho rằng, việc trả lương cho chức danh này là không đúng chỗ. Thậm chí Điều 32 Hiến pháp Vương quốc Đức 1871 có quy định cấm các nghị sỹ Quốc hội liên bang nhận tiền công hoặc tiền lương. Thủ tướng Đức thời đó là Bismarck cho rằng, quy định này được đưa ra nhằm loại bỏ “các nhân tố vô sản” cũng như “nghị sỹ nghề nghiệp” ở Quốc hội.
      Việc không trả công cho nghị sỹ đã dẫn đến kết quả là có nhiều trường hợp, Quốc hội không có khả năng thông qua nghị quyết với đa số phiếu, không có khả năng làm việc, vì Quốc hội không có đủ số lượng nghị sỹ tối thiểu có mặt cần thiết cho việc biểu quyết. Vì vậy, quy định trên đã đến lúc cần phải được sửa đổi. Năm 1906, việc trả công cho nghị sỹ cuối cùng đã được chấp nhận. Khoản tiền công của nghị sỹ hàng năm thời đó trị giá 3.000 Mark. 

05-tra-luong-3009-300.jpg

      Hiến pháp Weimar năm 1919 đã quy định việc trả công cho nghị sỹ do một đạo luật của Vương quốc Đức điều chỉnh. Đạo luật này quy định mức tiền công của nghị sỹ bằng 25% tiền lương chính của Bộ trưởng. Khoản tiền công của nghị sỹ còn bao gồm tiền phụ cấp phiên họp. Việc trả tiền công cho nghị sỹ về bản chất là việc thanh toán các chi phí, nghĩa là việc thanh toán chi phí liên quan đến việc thực hiện chức danh nghị sỹ. Tiền công của nghị sỹ bao gồm cả khoản bồi thường cho thu nhập bị thiếu hụt do nghị sỹ không thể tiếp tục thực hiện nghề đã có của mình.
      Khuynh hướng phát triển này đã được Hiến pháp Đức ghi nhận và đẩy mạnh. Các nhiệm vụ của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức được mở rộng đòi hỏi nghị sỹ phải thường xuyên sử dụng toàn bộ thời gian, sức lực cho việc thực hiện nhiệm vụ nghị sỹ. Chức danh nghị sỹ gắn liền với việc thực hiện nhiều công việc và đòi hỏi nghị sỹ không thể làm việc mỗi tuần dưới 40 tiếng. Thời gian làm việc hàng tuần của mỗi nghị sỹ ngày nay hầu như là từ 80 đến 120 tiếng. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức trong phán quyết “công tác phí” năm 1975 đã công nhận sự phát triển nêu trên và đi đến kết luận: Việc trả công cho nghị sỹ ngày nay đã trở thành việc thanh toán cho nghị sỹ và gia đình họ. Khoản tiền này được lấy từ ngân sách nhà nước. Nghị sỹ không chỉ đơn thuần nhận được khoản bồi thường cho chi phí thực tế của họ để thực hiện chức năng nghị sỹ, mà được nhận khoản thu nhập.

Lương Minh