Lương của Nghị sỹ Đức: Dân chủ hóa quyền bầu cử và ứng cử

- Thứ Sáu, 30/01/2009, 00:00 - Chia sẻ
Ở giai đoạn đầu tiên của chế độ nghị viện Đức, nghị sỹ không được trả lương bởi quan điểm chỉ có công dân là nam giới, có tài sản và độc lập về tài chính mới có thể gánh vác trọng trách chính trị.

      Mặc dù cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã mở ra thời đại tư bản chủ nghĩa ở châu âu, nhưng trong thời kỳ đầu của chế độ tư bản, các quyền chính trị trước hết chỉ dành cho số ít nam giới. Chỉ công dân là nam giới có tài sản và đã qua đào tạo mới được phép bầu cử, ứng cử và mới có thể gánh vác trọng trách chính trị. Trong giai đoạn đầu này của chế độ nghị viện, bức tranh về người đại biểu lý tưởng là người nghị sỹ độc lập về mặt kinh tế. Các bản hiến pháp năm 1791 và 1795 của Pháp và đạo luật bầu cử phù hợp với các bản hiến pháp này đã quy định loại bỏ quyền bầu cử của những người làm công ăn lương. Điều đó cũng đã xảy ra trong các bản hiến pháp bang đầu tiên ở Đức đầu thế kỷ XIX: Hiến pháp của các bang Bayern và Baden năm 1818, Wrttemberg năm 1819 và Hessen năm 1820.
      Nhưng không lâu sau đó, đã xuất hiện phong trào đấu tranh vì quyền bình đẳng về bầu cử và ứng cử. Ở giai đoạn này, quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã khiến số lượng người làm công ăn lương gia tăng rất nhanh. Hơn nữa, trình độ văn hóa của phần đông công dân được cải thiện do áp dụng giáo dục phổ thông bắt buộc. Sự phát triển này đòi hỏi phải từng bước mở rộng quyền bầu cử.

05-nghi-vien-3009-300.jpg

      Đạo luật bầu cử năm 1849 đã quy định quyền bầu cử phổ thông bình đẳng cho tất cả nam giới Đức trên 25 tuổi. Tuy nhiên, đạo luật này không có hiệu lực thực tế do Hiến pháp (Paulskirchen) bị loại bỏ. Nhưng sau đó, quyền bầu cử phổ thông và bình đẳng được ghi nhận trong Hiến pháp của Liên minh miền Bắc Đức và từ đây được đưa vào Hiến pháp Vương quốc Đức 1871.
      Cuối cùng, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã tạo ra sự đột phá có tính quyết định trong việc hình thành quyền bầu cử hiện đại cho cả nữ giới. Đây là cuộc chiến tranh dân tộc đã để lại gánh nặng chiến tranh lên vai tất cả các thành viên của xã hội, nữ giới cũng như nam giới, người giàu cũng như người nghèo. Những người gánh vác nghĩa vụ cơ bản của công dân và hiến dâng cuộc sống của mình cho nhà nước và xã hội thì không thể bị từ chối mãi các quyền công dân quan trọng nhất: quyền bầu cử và ứng cử.
      Cùng với quá trình dân chủ hóa quyền bầu cử, bức tranh về người đại biểu cũng thay đổi: không chỉ công dân đã qua đào tạo và độc lập về mặt tài chính, mà về nguyên tắc, mọi người giờ đây đều có cơ hội giành một ghế trong nghị viện. Từ đây, nghị sỹ phải giành được sự tín nhiệm của đa số người Đức từ đủ 18 tuổi trở lên, của nam giới và nữ giới thuộc các lứa tuổi khác nhau, các tầng lớp và các giai cấp khác nhau.

Tiến Nam