Luôn hướng về cử tri

- Thứ Tư, 30/12/2015, 20:36 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Khi chia sẻ với chúng tôi, ông bộc bạch, mình là đại biểu của cử tri nên từ suy nghĩ đến hành động phải luôn hướng về cử tri để biết được cử tri cần gì và mong muốn điều gì ở các đại biểu của mình và phải cố gắng làm hết sức mình nếu điều đó là đúng và là lẽ phải thì phải theo đến tận cùng kết quả. Ông là ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền Ảnh: Quang Khánh

Tâm sáng, khách quan, vô tư

Ánh mắt lấp lánh niềm vui, ông chia sẻ những kỷ niệm với cử tri trong quá trình làm đại biểu của mình. Đó là khi ông tham gia ý kiến vào sửa đổi Luật Quốc tịch năm 2008 tại Kỳ họp thứ 7. Sau khi phát biểu tại hội trường, ông đã nhận được rất nhiều ý kiến của cử tri đồng tình với bài phát biểu của mình và cho rằng: Luật cần thiết phải bỏ quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 2 điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008), vì quy định trên phát sinh thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho công dân.

Ông chia sẻ, một số cử tri ở Malaysia cũng điện thoại trực tiếp cho ông để hỏi về việc QH có sửa điều luật đó không, họ có phải đi đăng ký để được giữ Quốc tịch Việt Nam trước ngày 1.7.2014 nữa không, vì việc đăng ký giữ Quốc tịch cũng gặp nhiều khó khăn, họ cũng lo lắng chia sẻ rất nhiều tâm tư, nguyện vọng khi sống ở đất khách quê người. Sau đó, QH cũng đồng tình với việc bỏ quy định bắt buộc và thời hạn phải đăng ký giữ quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo luật Quốc tịch năm 2008. Chính ông đã điện thoại thông báo cho họ biết về quyết định trên, họ đã rất phấn khởi. Đó chỉ là một trong những điều mà ông đã làm được cho cử tri của mình qua thời gian hạn hẹp khi ông trao đổi với chúng tôi.

Là người làm trong lĩnh vực pháp luật, điều mà ông băn khoăn trăn trở nhất đó là tình trạng oan sai vẫn còn. Tại Kỳ họp thứ 10 QH Khóa XIII vừa qua, ông đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao hai lần về việc giải quyết vụ án bồi thường oan sai trong tố tụng đối với ông Lương Ngọc Phi ở thành phố Thái Bình, vụ án đã kéo dài trên 10 năm đến nay ông Phi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường với số tiền trên 20 tỷ đồng bồi thường phần dân sự. Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã nhận trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo giải quyết vụ án, bước đầu có kết quả. Ông hy vọng vụ án sớm được giải quyết dứt điểm để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bị oan sai.

Ông cũng tâm sự, có rất nhiều điều mà cử tri kỳ vọng vào đại biểu mà ông chưa làm được sau mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, hay nhận được đơn thư của họ gửi đến. Ông cho biết, cử tri dù sống ở trong hay ngoài nước họ vẫn dõi theo từng hoạt động của QH, của từng ĐBQH. Do vậy, là đại biểu của cử tri từ suy nghĩ đến hành động phải luôn hướng về cử tri để biết được họ cần gì và mong muốn điều gì ở các đại biểu và phải cố gắng làm hết sức mình nếu điều đó là đúng và là lẽ phải.

Cho rằng, để gắn bó liên hệ chặt chẽ với cử tri là một yêu cầu bắt buộc và quan trọng đối với mỗi đại biểu, với ông để làm được điều đó yêu cầu đối với đại biểu trước tiên phải là người có tâm trong sáng, hoàn toàn khách quan, vô tư trong suy nghĩ và hành động. Đồng thời, đại biểu phải là người có trách nhiệm đối với công việc, phải toàn tâm, toàn ý đối với công việc, là người biết giữ lời hứa của mình đối với cử tri; phải là người có bản lĩnh chính trị dám nói lên sự thật cũng như xử lý các vấn đề hiệu quả mà cử tri đặt ra.

Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết

Khi đánh giá về công tác lập pháp, ông cho rằng, QH đã thông qua Hiến pháp năm 2013 có rất nhiều điểm mới quan trọng thể hiện đầy đủ quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong một thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Theo ông, điểm mới quan trọng góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của QH đó là: Hiến pháp khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, Hiến pháp cũng khẳng định rõ các cơ quan có quyền lập pháp là QH; cơ quan thực hành quyền hành pháp là Chính phủ; cơ quan thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân. Để thực hiện đầy đủ tinh thần trên của Hiến pháp, vừa qua QH cũng ban hành Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các đạo luật khác với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng…

Để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của QH ngày nay, theo ông phải quán triệt thực hiện đầy đủ, đúng tinh thần của Hiếp pháp năm 2013 và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. QH phải thực sự là một diễn đàn của nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Các quyết định của QH phải là những quyết định thực chất hơn nữa, tránh hoạt động mang tính hình thức.

Ông cho rằng, QH ngày nay cần nâng cao hơn nữa chất lượng của ĐBQH, đại biểu phải thực sự là những người ưu tú, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, bản lĩnh của người đại biểu. Bên cạnh đó, cần tăng dần số đại biểu hoạt động chuyên trách trong QH với số lượng hợp lý phù hợp với đặc điểm của QH nước ta, đồng thời đổi mới cơ chế hoạt động, đề cao phát huy vai trò hoạt động độc lập của từng đại biểu, hạn chế các ảnh hưởng tác động từ bên ngoài đến hoạt động của đại biểu. Đổi mới cơ chế hỗ trợ phục vụ đắc lực hơn nữa cho hoạt động của đại biểu.

Ông cũng mong muốn, QH khóa tới, cần tăng cường tính công khai, dân chủ trong hoạt động của QH, phát huy vai trò giám sát và thu hút được sự tham gia của người dân đối với hoạt động của QH. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức hoạt động của QH, Đảng quyết định những chủ trương, biện pháp lớn quan trọng sau khi đã được thảo luận rộng rãi dân chủ tại diễn đàn QH hoặc với đa số ý kiến của ĐBQH.

Nguyễn Thăng