Luật là động lực, đường ray cho phát triển và hội nhập

- Thứ Bảy, 26/03/2016, 10:09 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Việc ban hành luật phải phù hợp được với thực tế; phải thực hiện làm sao để luật luôn là động lực cho kinh tế - xã hội phát triển như đường ray định hướng cho xã hội phát triển đúng hướng và đạt được tốc độ cao nhất, có chi phí thấp nhất. Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Đức Kiên trao đổi về những mục tiêu trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

>> PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KINH TẾ NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Chính phủ cần tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ công

>> Thống nhất để tạo sức mạnh

>> Không phải cứ nhiều mới đại diện tốt

-Trong sân chơi hội nhập, công tác làm luật có hội nhập không, thưa ông?

PCN Nguyễn Đức Kiên: Trong quá trình đất nước ta bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ quan của QH đã bắt kịp với những yêu cầu hội nhập ngày càng cao, với các hiệp định thương mại và các cam kết quốc tế mà Việt Nam cam kết. Như vậy, đối với hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình dương TPP, được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá là hiệp định ở thế hệ mới so với Hiến pháp năm 2013 cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Bên cạnh đó, chúng ta đã xây dựng được Luật quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (còn gọi là Luật về quản lý doanh nghiệp Nhà nước), trong đó quy định, doanh nghiệp Nhà nước cũng phải công khai, minh bạch báo cáo tài chính và nhiệm vụ của doanh nghiệp Nhà nước cũng giống như các doanh nghiệp đã thực hiện IPO trên sàn, không phân biệt đối xử. Như vậy, chúng ta đã thực hiện được một bước công khai minh bạch đối với các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của luật. 


PCN Nguyễn Đức Kiên

- Khi hội nhập, cơ hội cho kinh tế Việt Nam rất nhiều, song thách thức đặt ra cũng vô cùng lớn. Vì vậy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội nhập rất quan trọng và cấp thiết, thưa ông? 

PCN Nguyễn Đức Kiên: Việc xây dựng luật bao giờ cũng đi trước, nếu không xây dựng được luật thì chúng ta không thể có khuôn khổ để điều hành, vận hành nền kinh tế và vận hành xã hội. Cho nên, việc xây dựng luật bao giờ cũng phải đi trước để bảo đảm được tính khả thi của luật và tính khả thi của luật phải dựa trên các yếu tố như: thực tế của nền kinh tế đất nước ta, nhiều lĩnh vực chưa phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh mà đang trong quá trình chuyển đổi; nhận thức của người dân về nền kinh tế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết. 

-Thưa ông, hội nhập ngày càng cao thì công tác làm luật gặp phải những khó khăn gì?

PCN Nguyễn Đức Kiên: Năm 2007 Việt Nam đã gia nhập WTO, theo đó, chúng ta đã sửa rất nhiều luật từ Luật Phá sản cho đến Pháp lệnh quản lý ngoại hối, Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng và Luật đấu thầu. Nhưng so với TPP thì những luật đó chưa đạt được yêu cầu, trong giai đoạn tới chúng ta tiếp tục chỉnh sửa một số điều cho phù hợp. Theo đó, sửa luật để phù hợp với các cam kết ngày càng cao của quốc tế, đồng thời, bảo đảm cho quá trình hội phập kinh tế quốc tế của nước ta là tất yếu.

Tuy nhiên, theo tôi, nền kinh tế của nước ta vẫn chưa phải là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, nếu chúng ta chuyển ngay luật theo những quy định của nền kinh tế thị trường thì sẽ tạo cú sốc cho xã hội. Cho nên, việc làm luật của ta cũng phải có một thời kỳ quá độ, mà thời thời kỳ quá độ đó được thể hiện trên hai khía cạnh, thứ nhất quy định ngay trong luật quá trình hình thành và sử dụng các điều khoản trong luật. Thứ hai, các quy định khung sau đó là giao cho Chính phủ căn cứ vào thực tiễn để ban hành các nghị định tổ chức thực hiện và sau 5 năm tổng kết lại những điều đã được thực tế chấp nhận thành những điều quy định trong luật.

- Vậy, chúng ta cần lựa chọn những vấn đề gì từ nhu cầu phát triển của Việt Nam để xây dựng và hoàn thiện luật, thưa ông?

PCN Nguyễn Đức Kiên: Phải luôn luôn thể hiện được việc ban hành luật nào đó thì phải phù hợp được với thực tế. Tuy nhiên, cũng  không phải vì thế mà chúng ta trì hoãn lại sự phát triển của nền kinh tế theo nhu cầu hội nhập, mà chúng ta phải thực hiện làm sao để luật luôn là động lực cho kinh tế - xã hội phát triển như đường ray định hướng cho xã hội phát triển đúng hướng và đạt được tốc độ cao nhất, có chi phí thấp nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thăng thực hiện