Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Luật hóa những vấn đề đã đúng trong thực tiễn

- Thứ Bảy, 21/09/2019, 09:11 - Chia sẻ
Tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên UBTVQH nêu rõ quan điểm đồng tình hơn với phương án quy định về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Chính phủ trình. Phương án này được đánh giá là rõ ràng, cụ thể hơn và theo đó cũng minh bạch hơn trong quá trình áp dụng luật sau này. Tuy nhiên, vì đây là bộ luật gốc nên các Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện, thiết kế thêm để bao quát được hết các quy định về tuổi nghỉ hưu mang tính đặc thù đã được quy định trong một số luật chuyên ngành hiện nay trên tinh thần những vấn đề nào đã chứng minh trong thực tiễn là đúng đắn thì cần luật hóa.

Áp dụng chung một lộ trình có thể gây hệ lụy phức tạp

Báo cáo với UBTVQH tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình cũng còn một số đại biểu băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, về việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cũng cho thấy, ngay trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu thì vẫn còn có hai quan điểm khác nhau. Vì đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động nên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thiết kế 2 phương án để trình UBTVQH và QH cho ý kiến theo hướng: Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình; còn phương án 2 là phương án do Chính phủ trình, quy định cụ thể lộ trình và tuổi nghỉ hưu ngay trong luật.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cả hai phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới. Phân tích ưu, nhược của hai phương án, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, phương án 1 bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng. Nhưng phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định. Còn phương án 2, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong Luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành. Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là, trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động (nhất là người lao động trực tiếp sản xuất, đứng máy dây chuyền... ở doanh nghiệp).

Cứ minh bạch, rõ ràng luôn

Nhất trí với phương án Chính phủ trình, tức là từ năm 2021 trở đi nam tăng mỗi năm 3 tháng, nữ tăng mỗi năm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 và nữ đủ 60, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, lộ trình như vậy là rất thận trọng, từ từ, tịnh tiến và không có gì xáo động lắm, không có tác động gì lớn đến quỹ bảo hiểm... Ưu điểm lớn của phương án này còn ở chỗ, chúng ta biết được mốc thời gian để đạt được độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, tức là đoán được, dự báo được thay đổi trong cơ cấu lao động, số lượng lao động, nhân lực lao động. Nếu để Chính phủ quy định theo một lộ trình phù hợp với từng nhóm lao động thì rất phức tạp. Không biết Chính phủ sẽ quy định như thế nào? Chia ra bao nhiêu nhóm với lộ trình khác nhau, trong từng nhóm lại nữ riêng, nam riêng và không biết thời điểm nào kết thúc. Quy định như vậy sẽ khó thống kê về lao động, về nhân lực, về số người nghỉ hưu trong từng năm. Phát sinh bao nhiêu vấn đề phức tạp trong thống kê nói chung mà không định trước được, không lường trước được thời gian kết thúc, không biết có bao nhiêu nhóm. “Luật mở ra một việc rất phức tạp, không thể định trước được như vậy thì theo tôi không nên”, Chủ tịch Hà Ngọc Chiến nói.

Nghiêng về phương án của Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phương án này rõ ràng hơn và cũng phục vụ cho việc chuẩn bị công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ. “Đưa Chính phủ quy định chi tiết thì chúng ta mong muốn nếu điều kiện đất nước tốt hơn, Chính phủ sẽ đi nhanh hơn. Tức là không phải đến năm 2035 thì nữ công chức, viên chức mới được nghỉ hưu ở tuổi 60 mà có thể đi nhanh hơn. Nhưng không biết chừng lại đi chậm vì chúng ta mở chừng nào đạt được thì thôi. Tôi thấy phương án như vậy là không rõ. Cứ minh bạch, rõ ràng luôn sau thời gian nào thì chúng ta đạt được mục đích”, Chủ tịch QH nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, khi Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật đã bàn đi tính lại theo nhiều phương án, sau đó mới rút lại còn 2 phương án trình UBTVQH. “Thực ra, phương án tăng đã tính kỹ hết rồi”. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, với đặc điểm là Bộ luật ra đời trước các luật khác nên phải có tính tổng quát, tính bao quát. “Tuổi nghỉ hưu đã quy định từ xưa rồi, đến nay sửa đổi cũng phải cụ thể, nếu sửa không cụ thể thì rất khó áp dụng”. Nếu giao cho Chính phủ nhiều quá thì sau này Chính phủ khó làm. Luật phải “khống chế” đầu trên, đầu dưới, “khống chế” những cái cơ bản nhất để Chính phủ triển khai thực hiện.

Những quy định đặc thù coi như hết

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng thừa nhận dù phương án sửa cụ thể rồi nhưng ông vẫn thấy còn băn khoăn. Bởi lẽ, khung tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 60 tuổi và nam 62 tuổi, quy định từ năm 2028 - 2035, quy định tăng dần 3 tháng, 4 tháng một năm... cũng vẫn chưa bao quát hết các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu trên thực tế cũng như quy định về tuổi nghỉ hưu tại một số luật chuyên ngành. Đơn cử như có những luật hiện đã quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 65, thậm chí được kéo dài, với giáo sư được 70 tuổi, thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao được 65 tuổi, cán bộ nữ hàm thứ trưởng và tương đương là 60 tuổi... Vậy những quy định này có phải đưa vào Bộ luật Lao động không? “Vấn đề này chúng tôi còn phân vân xem cách thiết kế như thế nào để bao quát được hết. Nếu viết như thế này mà luật đi vào hiệu lực thì theo nguyên tắc cùng một cơ quan ban hành, văn bản sau có hiệu lực thi hành hơn văn bản trước là sẽ xóa luôn cả Luật Tòa án nhân dân, xóa luôn cả mấy quy định trong các luật kia”, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết và đề nghị, các cơ quan cần phối hợp nghiên cứu, thiết kế thêm để thể hiện rõ hơn vấn đề này.

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu một khoản trong dự thảo Bộ luật có giao Chính phủ quy định những trường hợp nào được làm việc kéo dài thêm. Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, vấn đề nào trong thực tế đã rõ ràng rồi, chứng minh được tính đúng đắn rồi thì đưa vào luật, nếu để Chính phủ hướng dẫn được là vô cùng gian nan, nhiều ý kiến khác nhau lắm!

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng yêu cầu trình cả hai phương án ra QH cho ý kiến nhưng sẽ đưa phương án Chính phủ trình lên thành phương án 1 vì rõ lộ trình, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong Bộ luật chứ không giao cho Chính phủ hướng dẫn. “Những điều trái với nội dung này thì quy định bãi bỏ trong điều luật này, như thế những đặc thù coi như hết, không còn hướng dẫn nữa”, Phó Chủ tịch Thường trực QH nói. 

Nguyễn Bình