Luật Căn cước công dân được kỳ vọng sẽ đổi mới căn bản hoạt động quản lý dân cư

- Thứ Ba, 10/06/2014, 08:36 - Chia sẻ
Việc ban hành Luật Căn cước công dân là cần thiết nhằm cung cấp cho Nhà nước công cụ quản lý, hoạch định chính sách, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đồng thời cung cấp cho người dân giấy tờ cần thiết để tham gia vào các hoạt động xã hội, giao dịch dân sự. Công dân nào cũng mong muốn giảm thiểu tối đa giấy tờ thủ tục không cần thiết, nhất là trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, càng giản tiện thủ tục, giấy tờ bao nhiêu thì người dân và Nhà nước càng đỡ tốn kém và đỡ mất thời gian bấy nhiêu.

Theo dự thảo Luật, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước. Trên cơ sở dữ liệu căn cước đó, chúng ta cấp chứng minh nhân dân cho người dân. Yêu cầu là phải bảo đảm nội dung dữ liệu trên thẻ căn cước, chất liệu làm thẻ và cả cách thức quản lý. Điều tôi quan tâm nhất là dự thảo Luật quy định, từ ngày 1.1.2016 sẽ tiến hành cấp số định danh cá nhân cho những người khai sinh từ ngày 1.1.2016 trở về trước, còn Bộ Công an sẽ cấp số định danh cá nhân mới cho người sinh từ ngày 1.1.2016 trở đi. Tính khả thi của việc này như thế nào?

Luật này được kỳ vọng là sẽ tạo ra cải cách căn bản trong quản lý dân cư bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tức là cơ sở thông tin đó được nạp vào hệ thống máy tính. Các cơ quan, tổ chức khi cần sẽ được trao chìa khóa để truy cập thông tin mà mình cần. Muốn vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phải được xây dựng trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Không có công nghệ thông tin thì vô phương thực hiện. Nhưng thực trạng cơ sở công nghệ thông tin của Bộ Công an như thế nào thì hiện nay cũng chưa rõ. Chưa kể vấn đề chi phí như thế nào, nhân lực như thế nào để thực hiện được nhiệm vụ này?

Thực tế, chúng tôi đến khảo sát tại một số địa phương thì có nơi, cả 7 cán bộ công an tỉnh làm công tác quản lý dữ liệu dân cư không ai có trình độ đại học về công nghệ thông tin. Đây là vấn đề về con người, phải thực sự có trình độ thì mới kiểm soát được cơ sở dữ liệu thông tin. Hay tại TP Hồ Chí Minh, một số nơi đã tiến hành thí điểm nhập, cấp thông tin bằng cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, địa phương phải giao cho công ty viễn thông triển khai thực hiện và chi phí mất khoảng 3,7 tỷ đồng. Vậy cả nước nhân lên hết bao nhiêu tiền? Liệu chúng ta có đủ nguồn lực để thực hiện hay không? Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá rất cao sự cần thiết ban hành Luật này, nhưng điều băn khoăn là đến năm 2020, chúng ta có làm được không? Tôi đề nghị, nên có thêm một báo cáo để cung cấp thông tin cho ĐBQH về lộ trình, nguồn lực Nhà nước về con người và vật chất như thế nào để bảo đảm thực hiện được mục tiêu mà Luật đề ra.

ĐBQH Lê Việt Trường (An Giang)