Cơ chế luận tội người đứng đầu hành pháp ở Mỹ

Luận tội chỉ là “thanh gươm trang trí”?

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:45 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, nghị viện được trao quyền phế truất người đứng đầu cơ quan hành pháp với những hình thức khác nhau như luận tội, bãi miễn… Tuy nhiên, cho đến nay, thủ tục để thực hiện cơ chế này khó đến mức nó gần như chỉ là “thanh gươm trang trí” chứ không mang tính răn đe thực tế.

Quyền luận tội thuộc về Nghị viện

Theo khảo sát 88 nước của IPU, 77 nước có quy định về những hình thức này. Trong đó, thủ tục luận tội các quan chức hành pháp được áp dụng ở 66 nước, có cả theo chính thể đại nghị lẫn các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống.

Luận tội được áp dụng khi qua các cuộc điều tra của nghị viện (thường là ở các ủy ban điều tra) cho thấy, có những bằng chứng phạm tội lạm dụng chức quyền của các quan chức của nhà nước (có thể là Tổng thống ở chính thể cộng hòa tổng thống). Căn cứ để luận tội thường được quy định trong hiến pháp hoặc luật. Ở 22 nước trong số 66 nước có luận tội, việc vi phạm các nghĩa vụ hiến định là lý do luận tội; 34 nước, đó là sự phản bội tổ quốc hoặc “tội phạm hình sự nghiêm trọng”, ví dụ như tham nhũng, nhận hối lộ. Ở 47 nước, người đứng đầu hành pháp không bị luận tội vì mắc phải các tội hình sự thông thường; nhưng ở 15 nước khác nghị viện có thể luận tội chức danh này vì phạm các tội hình sự thông thường. Ở những nước các bộ trưởng bị luận tội, lý do luận tội của họ rộng hơn so với người đứng đầu hành pháp, ví dụ ở 5 nước bộ trưởng sẽ bị luận tội nếu phạm bất kỳ tội nào theo quy định của luật hình sự.

Chỉ có ở 2 trên 88 nước luận tội được tiến hành theo thủ tục thông thường, còn ở các nước còn lại phải có một số lượng nghị sĩ cùng ký kiến nghị. Ở 7 nước, kiến nghị luận tội tổng thống phải có chữ ký của hơn 50% tổng số nghị sĩ. Để thông qua kiến nghị luận tội, 56 nước đòi hỏi phải có đa số trên tổng số nghị sĩ, trong đó 39 nước yêu cầu phải có sự đồng ý của ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ đồng ý.

Ở 54 nước, nghị viện chỉ có quyền luận tội, còn ở 12 nước, nghị viện vừa luận tội, vừa ra phán quyết. Ở các nước lưỡng viện, việc luận tội các quan chức nhà nước thường được bắt đầu ở Hạ viện, và sau đó là Thượng viện tiến hành luận tội ra phán quyết, và đòi hỏi phải đạt được đa số của mỗi viện. Ví dụ, ở Kazakhstan, đa số đơn giản ở Hạ viện là đủ để buộc tội Tổng thống, nhưng ở Thượng viện lại phải đạt 2/3 tổng số thượng nghị sĩ. Phán quyết cuối cùng chỉ được thông qua nếu 3/4 tổng số nghị sĩ mỗi viện đồng ý tại phiên họp chung của hai viện. Còn ở Mỹ, khi tiến hành luận tội, các thượng nghị sĩ phải tuyên thệ và Chánh án của Tòa án Tối cao sẽ làm chủ tọa. Quyết định luận tội chỉ được đưa ra khi có được sự đồng ý của hai phần ba số thượng nghị sĩ có mặt.

Mặc dù luận tội có nhiều ý nghĩa dân chủ nhưng rất ít khi được sử dụng trong thực tế. Nước Anh, quê hương của nghị viện và của thủ tục này, đã hơn 200 năm nay chưa sử dụng đến thủ tục luận tội (lần cuối cùng được áp dụng vào năm 1805). Luận tội được thực hiện một cách triệt để nhất ở Mỹ, nơi nghị viện được đánh giá là có thực quyền nhất so với các nước trên thế giới, nhưng từ ngày đầu đến nay cũng mới được áp dụng 13 lần. Theo IPU, trong vòng 10 năm từ 1990 - 2000, có 30 kiến nghị luận tội được đề xuất ở 88 nước được khảo sát.

Ngoài ra, ở một số nước như Áo, Iceland, Romania nghị viện có thể khởi xướng việc bãi miễn tổng thống, nếu nghị viện thông qua nghị quyết bãi miễn, nó sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân, và tổng thống sẽ bị bãi miễn nếu đa số cử tri bỏ phiếu đồng ý với nghị quyết. Còn ở 13 nước, nghị viện có quyền phế truất tổng thống; ở 8 nước nghị viện đề xuất tổng thống cách chức thành viên chính phủ; còn ở 11 nước, nghị viện phê chuẩn đề nghị của tổng thống cách chức các chức danh này.


Năm 1998, 31 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ phe Cộng hòa mở cuộc điều tra Tổng thống Bill Clinton

Luận tội Tổng thống Mỹ: khó hay dễ?

Luận tội Tổng thống là một trong những thủ tục phức tạp và hiếm khi được sử dụng ở Mỹ cũng như nhiều nước khác. Nhưng “Tổng thống không đứng trên luật pháp”, và thực tế thủ tục này đã từng được áp dụng.

Điều khoản 2 Hiến pháp Mỹ (đoạn 4) quy định: “Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác”. Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả những vụ luận tội. Việc truất phế các viên chức bị luận tội là tự động nếu bị xét xử là có tội tại Thượng viện. Trong lịch sử Mỹ đã có 2 Tổng thống bị luận tội nhưng không bị phế truất, và một Tổng thống từ chức trước nguy cơ bị luận tội.

Năm 1868, Tổng thống Andrew Johnson trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên bị Hạ viện luận tội và phải tham dự phiên tòa Thượng viện. Ông Johnson bị buộc tội vi phạm pháp luật khi loại bỏ chức Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ, vốn không phải là quyết định của ông với tư cách là Tổng thống.

Gần đây nhất, năm 1998, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng bị luận tội do những bê bối tình ái ở Nhà Trắng. Ông Clinton bị luận tội với hai tội danh gồm gian dối trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý, sau khi nói dối về cuộc tình vụng trộm với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky rồi bắt cô này khai man. Tuy nhiên, tại phiên tòa Thượng viện, không một nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu đồng ý phế truất, vì vậy ông Clinton vẫn giữ chức tổng thống tới hết nhiệm kỳ.

Tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ từ chức là Richard Nixon. Khi nhận thấy Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu thông qua phán quyết luận tội với sự đồng ý từ cả những thành viên đảng Cộng hòa của mình, ông Nixon tuyên bố từ chức. Tại thời điểm đó, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội đã hợp sức cùng đảng Dân chủ để luận tội tổng thống.

Nếu Nixon không từ chức, ông có thể đã bị kết tội tại Thượng viện về một trong ba tội danh: cản trở công lý, lạm dụng quyền lực hoặc không tuân lệnh trát hầu tòa. Tuy nhiên, Tổng thống Gerald Ford, từng là Phó Tổng thống của ông Nixon và kế nhiệm ông, đã ân xá cho cựu Tổng thống Nixon về bất kỳ hành vi phạm tội nào một tháng sau khi ông từ chức.

“Luận tội một tổng thống là điều rất khó khăn, đó là cách mà quy trình này được định sẵn”, một giáo sư khoa học hiến pháp Mỹ nhận định. Thực tế lịch sử nước Mỹ cho thấy chưa một tổng thống nào bị phế truất vì luận tội.

Đạt Quốc