Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử

Lựa chọn những nội dung thiết thực

- Thứ Ba, 09/10/2018, 08:30 - Chia sẻ
Để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử tại địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Ban Công tác đại biểu) trong việc bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp và thống nhất kế hoạch tập huấn hàng năm. Lựa chọn những nội dung tập huấn thiết thực đại biểu cần trang bị, không quá rộng và thuộc tầm vĩ mô làm đại biểu khó tiếp thu, vận dụng khi thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, hầu hết các đại biểu dân cử hoạt động không chuyên trách. Tại Hậu Giang, nhiệm kỳ 2016 - 2021, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách được bố trí đúng theo luật định, trong đó cấp tỉnh: 8/50 đại biểu (tỷ lệ 16%); cấp huyện: 34/253 đại biểu (13%); cấp xã: 76/2.093 (3%). Nhiệm kỳ này, số đại biểu mới tham gia HĐND lần đầu chiếm hơn 70%.

Như vậy, số lượng đại biểu hoạt động không chuyên trách cũng như số đại biểu mới tham gia lần đầu chiếm tỷ lệ rất cao và trình độ không tương đồng. Trong số đó, có đại biểu tái cử, có đại biểu lần đầu trúng cử. Những đại biểu lần đầu trúng cử không tránh khỏi lo lắng với nhiệm vụ do dân bầu, phải làm sao cho xứng đáng và luôn băn khoăn với câu hỏi phải “bắt đầu từ đâu”. Nắm được những trăn trở của đại biểu dân cử, đầu mỗi nhiệm kỳ, QH, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức những khóa đào tạo, bồi dưỡng từ 3 - 5 ngày cho các đại biểu, được tổ chức theo từng khu vực từ Bắc đến Nam.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, từng đại biểu HĐND phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, xác định rõ trách nhiệm trước cử tri và trước tập thể HĐND; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, đầu tư nghiên cứu và dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Ban Công tác đại biểu, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử để kịp thời bồi dưỡng, tập huấn những kỹ năng hoạt động thiết thực cho đại biểu HĐND các cấp.

Ngoài việc đại biểu HĐND được tập huấn kỹ năng hoạt động ở đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang hàng năm đều có kế hoạch phối hợp rất sớm với Ban Công tác đại biểu, trực tiếp là Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu. Đồng thời, Trung tâm còn hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên cho Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, trang bị các chuyên đề về hoạt động HĐND cho đại biểu HĐND cấp huyện và xã. Quá trình tổ chức tập huấn, luôn bảo đảm nội dung với nhiều chuyên đề thiết thực đại biểu HĐND cần có như là một “cẩm nang” để hoạt động đạt hiệu quả, như: Chuyên đề về kỹ năng giám sát, chất vấn, tổ chức kỳ họp, kỹ năng TXCT, thảo luận của đại biểu HĐND... Báo cáo viên là những người có kinh nghiệm hoạt động, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực từ Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo có chuyên môn giỏi của các sở, ngành.

Thường trực HĐND cũng chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh kịp thời hướng dẫn HĐND 2 cấp trong hoạt động giám sát, thẩm tra, TXCT bằng bộ “quy trình cụ thể, chi tiết” và các văn bản hướng dẫn khi đại biểu HĐND 3 cấp có vướng mắc trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015. Định kỳ, Thường trực và các ban HĐND tỉnh tổ chức làm việc với Thường trực, các ban HĐND cấp huyện (có mời đến Thường trực và hai ban HĐND cấp xã cùng dự); mỗi năm, Thường trực, các ban HĐND tỉnh lựa chọn 2 chủ đề thiết thực tổ chức Hội nghị giao ban nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp trong tỉnh.

Đặc biệt hơn, năm 2017, Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Thường trực UBND tỉnh thống nhất đưa 3 tiêu chí về hoạt động HĐND (Công tác ban hành nghị quyết; công tác giám sát; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo nghị quyết HĐND tỉnh và cộng tác tin bài cho Trang Thông tin điện tử của HĐND tỉnh) chiếm 25/600 điểm vào tiêu chí thi đua thực hiện chỉ tiêu KT - XH chung của tỉnh; đồng thời, phát động phong trào thi đua trong hoạt động HĐND 2 cấp, qua đó đã có sự thi đua rõ nét và chất lượng hoạt động HĐND đã được nâng lên.

Với những cách làm trên, đến nay chất lượng hoạt động của đa số đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào hoạt động của HĐND các cấp với việc phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN trên địa bàn.


Một lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện của tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 
Ảnh: Trần Huấn

Phối hợp chặt chẽ

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của HĐND nói chung và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh Hậu Giang nói riêng cho thấy: Trình độ của một số đại biểu, nhất là ở cấp xã, huyện vẫn còn có lúc, có việc chưa đáp ứng yêu cầu; kỹ năng hoạt động của một số đại biểu chưa cao, chưa có sự năng động, sáng tạo và tự nghiên cứu; nhiều đại biểu chưa phát huy được trí tuệ trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, cũng như trong thực hiện chức năng giám sát, hoạt động TXCT, trong tổ chức phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng…

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử tại địa phương, kinh nghiệm cho thấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử trong việc bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp và thống nhất kế hoạch tập huấn hàng năm. Lựa chọn nội dung tập huấn thiết thực, hiệu quả đại biểu cần trang bị, không quá rộng và thuộc tầm vĩ mô làm đại biểu khó tiếp thu, vận dụng khi thực hiện nhiệm vụ. Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tiếp tục phát huy tính dân chủ trong trao đổi về thời gian, nội dung và lựa chọn báo cáo viên, chuyên gia trong tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu dân cử tại địa phương.

TRẦN HÙNG