Xây dựng kế hoạch phát triển khu vực Miền trung - Tây Nguyên

Lựa chọn dự án trọng điểm, tạo động lực cho tăng trưởng

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:54 - Chia sẻ
Ngày 12.8, tại thành phố Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng.

Tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, kết nối giữa hai miền Nam - Bắc của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, miền Trung còn là “bệ đỡ, cửa ngõ” ra biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn khi hạ tầng giao thông tới khu vực Tam giác phát triển Campuhia - Lào - Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện… Với gần 1.900km bờ biển, miền Trung chính là mặt tiền biên giới biển, đương nhiên có lợi thế về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ ra thế giới. Còn Tây Nguyên là mái nhà của các tỉnh miền Trung, là nơi tiếp xúc với các thị trường Campuchia và Lào. Ông Trung cho rằng, sự gắn kết giữa hai vùng là không thể khác và sẽ cộng hưởng, tạo đà cho sự phát triển cao hơn. Trong mối liên kết này, quan trọng nhất là kết nối giao thông ngang, kết nối theo trục Đông - Tây giữa các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.


Toàn cảnh hội nghị

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung đạt 8,5%, 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 7,3% - đều cao hơn bình quân cả nước. Dự kiến, hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong vùng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông cho biết. Duy nhất chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn dự kiến chỉ đạt 94,57% so với kế hoạch. Theo đánh giá của của Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, việc các mục tiêu của 6 tháng đầu năm đều đạt kế hoạch, đặc biệt nhiều địa phương đưa ra chỉ tiêu năm 2020 cao hơn năm nay là tiền đề để hoàn thành kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và đặt nền tảng để xây dựng kế hoạch phát triển 2021 - 2025.

Tuy nhiên, như lãnh đạo Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ chỉ ra và đa số lãnh đạo địa phương trong vùng thừa nhận: Động lực tăng trưởng công nghiệp của địa phương còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ năm 2019 có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông - Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Xuất khẩu của cả vùng tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Không những thế, thu ngân sách còn chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22 - 25%. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp.

Cần sự chia sẻ của địa phương

Cuối tháng 8 này, tại Bình Định, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì một hội nghị chuyên biệt về phát triển kinh tế miền Trung. Hội nghị sẽ bàn về thực trạng, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo tinh thần của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho rằng, với cơ sở hạ tầng yếu kém, chất lượng lao động thấp khiến năng lực cạnh tranh của tỉnh bị hạn chế đáng kể. Trong khi đó, nhu cầu thu hút vốn đầu tư ngày càng lớn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân đầu người so với mức bình quân của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng: đa số các tỉnh trong vùng vẫn khó nhất là kinh tế quy mô nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, vùng tha thiết mong có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Vùng. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho Vùng năm 2020, giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với Vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã phản ánh về những khó khăn trong triển khai Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, về thiếu vốn cho đầu tư công và những hạn chế trong liên kết vùng

Ghi nhận kiến nghị của các địa phương, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cũng lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 cần lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng. Các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các dự án quan trọng. “Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách”, ông Trung nói.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, theo ông Trung, cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nội dung của Luật có nhiều điểm mới, tháo gỡ những khó khăn và đơn giản hóa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 có tính khả thi cao hơn giai đoạn trước. 

Nam Anh