Lồng ghép giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới

- Thứ Ba, 01/10/2019, 07:59 - Chia sẻ
Thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, tỉnh Nam Định đã huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, lồng ghép triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo UBND tỉnh Nam Định, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện theo mục tiêu, kế hoạch đề ra, với giải pháp lồng ghép giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm bảo đảm các công trình đầu tư phát huy hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ và cải thiện thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo cùng các tầng lớp dân cư nâng cao đời sống. Trong đó, phải kể tới nhiều việc làm cụ thể như tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện, các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, cận nghèo về giáo dục, y tế và giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo...

Hiện toàn tỉnh có 5.724 lao động thuộc hộ nghèo được hỗ trợ dạy nghề từ chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 7.632 lượt người nghèo được tập huấn, hướng dẫn phát triển ngành nghề, sản xuất; có 99.303 lượt hộ nghèo, 29.059 lượt hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh. Gắn với xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cũng được tỉnh Nam Định đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, theo đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đứng ra nhận ủy thác 2.183,227 tỷ đồng, hỗ trợ 167.580 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong 3 năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ, tư vấn giúp thành lập được 8 hợp tác xã, 12 tổ liên kết, 1 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn, diễn đàn do các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân có kinh nghiệm tham gia cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhằm thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều phụ nữ làm chủ hợp tác xã đã hình thành các vùng chuyên canh, quy mô lớn như hợp tác xã (HTX) Hải Đăng, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Bình Minh, HTX trồng hoa và cây cảnh Nam Phong... giúp tạo việc làm và thu nhập cho lao động từ 3,5 đến 10 triệu đồng/tháng.


Mô hình nuôi ong phát triển kinh tế hiệu quả lâu dài Nguồn: ITN

Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cung cấp danh sách và xác nhận đối tượng cho vay vốn làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, phổ biến chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình đến hộ vay vốn để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương tỉnh Nam Định, công tác giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh sẽ hoàn thành mục tiêu và chỉ tiêu đề ra.

Nguồn: UBND tỉnh Nam Định

Nhiều mô hình cần nhân rộng

Bên cạnh giải pháp giảm nghèo từ các cấp hội phụ nữ trong tỉnh, Vườn quốc gia Xuân Thủy là một đơn vị điển hình thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã phối hợp với các địa phương trong vùng đệm gồm các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải thuộc huyên Giao Thủy, phát triển các mô hình sinh kế bền vững và thân thiện môi trường như, nuôi ong, ngao giống, ngao thương phẩm và trồng nấm. Đặc biệt, mô hình nuôi ong mang giá trị hiệu quả kinh tế cao, hiện có gần 20 trại ong, sản lượng đạt từ 60 - 80 tấn/năm, được đánh giá là khu vực khai thác mật ong sú, vẹt chất lượng và sản lượng tốt lớn nhất miền Bắc. Anh Phạm Văn Chinh là người có thâm niên nuôi ong lấy mật, thành công trong việc nhân giống ong Ý thuần chủng (ong ngoại Apis metifera). Vào mùa hoa sú, vẹt chính vụ, anh chọn nhân đàn 100% ong Ý. Với gần 1.000 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch trên 75 tấn mật; riêng vụ hoa sú, vẹt, lượng mật đạt gần 30 tấn, mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Văn Tình cho biết, sản phẩm mật ong rừng sú, vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký, là loại mật duy nhất được khai thác từ cây rừng mọc ngoài biển, hoàn toàn có nguồn gốc tự nhiên, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với các cơ quan và chính quyền các xã phát triển nghề trồng nấm. Đây là một trong những mô hình sinh kế mới đang hoạt động hiệu quả, giúp các hộ dân thu được những sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp và chăn thả gia súc. Đến nay, đã thành lập câu lạc bộ trồng nấm thu hút 70 hộ ở các xã vùng đệm tham gia; cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực là nấm sò và mộc nhĩ. Đây là những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cần được nhân rộng nhằm xóa nghèo bền vững.

Phan Phương