Lồng ghép chính sách trợ giúp phụ nữ khuyết tật

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:34 - Chia sẻ
Theo Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đặt ra là 80% phụ nữ khuyết tật nhận được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau, giai đoạn 2026 - 2030 tỷ lệ này nâng là 100%. Song, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này không dễ, bởi việc rút ngắn khoảng cách tạo sự bình đẳng cho phụ nữ khuyết tật đang gặp rất nhiều thách thức.

Đối tượng yếu thế kép

Hiện nay, cả nước có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 58%. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này hòa nhập cuộc sống, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật. Đặc biệt là Luật Người khuyết tật được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật, quy định toàn diện các chính sách về trợ cấp, chăm lo giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, bảo đảm an sinh xã hội... Cùng với chính sách trợ cấp hàng tháng, các chính sách việc làm, chính sách tín dụng cũng được triển khai đồng bộ nhờ đó cuộc sống của phụ nữ khuyết tật phần nào bớt khó khăn.

Phấn đấu giai đoạn 2026-2030, 300.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm.
Nguồn ITN

"Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ. Các chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống".

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi

Khảo sát của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho thấy, mỗi năm, có khoảng 90% bà mẹ có thai được khám thai, sàng lọc khuyết tật trước sinh; trên 90.000 trẻ em khuyết tật và trẻ em gái có khả năng học tập được đến trường. Các địa phương đã xây dựng và phê duyệt danh mục và định mức chi phí đào tạo cho trên 950 lượt nghề để tổ chức đào tạo chuyên biệt đối với người khuyết tật, hàng năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật được đào tạo nghề. Các trung tâm dịch vụ việc làm bình quân mỗi năm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật, phụ nữ khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50% .

Thực tế cho thấy, phụ nữ khuyết tật không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm mà còn là đối tượng yếu thế bị đối xử “kép” vì là người khuyết tật và là nữ giới. Nghiên cứu thực tế của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 - 33 tuổi. Trong đó, có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%. Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ.

Còn khoảng trống

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi chia sẻ, việc thực hiện chính sách trợ giúp phụ nữ người khuyết tật vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Quan niệm "trọng nam kinh nữ" còn diễn ra ở một bộ phận dân cư; nguồn lực thực hiện chương trình, đề án hỗ trợ người khuyết tật còn ít. Cơ chế chính sách cho phụ nữ khuyết tật còn có những “khoảng trống” về chương trình hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng… và gặp khó khăn trong huy động nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật. Do đó, cần có kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hiện nay để làm cơ sở cho quá trình sửa đổi Luật Người khuyết tật và Nghị định 136/2013/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội”, ông Hồi cho biết.

Theo các chuyên gia, để xây dựng được không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái nói chung, phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng nhằm chia sẻ những thiệt thòi đối với đối tượng yếu thế "kép", thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, lấp đầy các "khoảng trống" về pháp luật và chính sách liên quan đến bạo lực giới. Trong đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật như hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em khuyết tật nói riêng; bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật. Đặc biệt, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Hiện, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác người khuyết tật ở các cơ sở; phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội giúp đỡ người khuyết tật… Đặc biệt, việc sửa đổi sẽ thực hiện theo hướng nghiên cứu, lồng ghép những chính sách đặc thù về giới đối với phụ nữ khuyết tật trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Thái Yến