Lỗi từ phía thực thi

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 07:15 - Chia sẻ
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1.7.2011 đến 31.12.2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1.1.2013 đến 31.8.2017) (gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết), đã có hai luồng ý kiến khác nhau. Phía phản đối cho rằng, Luật đã quy định thì cần được thực thi nghiêm túc; phía ủng hộ viện lý do doanh nghiệp đã quyết toán xong, nếu truy thu sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Song, dù ở luồng ý kiến nào, các đại biểu cũng thừa nhận, đây không phải là lỗi của doanh nghiệp mà từ phía thực thi.

Chậm ban hành vì... “vấn đề mới”

Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1.7.2011 và Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, trong đó quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thiên nhiên. Tuy nhiên, phải đến 2 năm 7 tháng sau, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản mới được ban hành và có hiệu lực (Nghị định số 203/2013/NĐ - CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ 20.1.2014). Đối với Luật Tài nguyên nước, phải chờ đến gần gấp đôi thời gian đó, 4 năm 8 tháng, Nghị định số 82/2017/NĐ - CP ngày 17.7.2017 hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực (ngày 1.9.2017). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, chính sự chậm trễ này đã “tạo khoảng trống” trong thực thi luật, khiến việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không triển khai thực hiện được.

Hệ quả là, theo báo cáo của Chính phủ trong Tờ trình số 317/TTr - CP ngày 7.8.2019 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian tính từ khi 2 đạo luật trên có hiệu lực đến ngày 2 nghị định hướng dẫn có hiệu lực, sơ bộ có khoảng 5.000 tỷ đồng chưa thu được vào ngân sách.


Không nên truy thu 5.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp?
Nguồn: ITN

Lý giải sự chậm trễ ban hành Nghị định, đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, do quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước là “chính sách và quy định hoàn toàn mới” nên Chính phủ “phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách mới này”. Thêm vào đó, trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, có trên 4.400 giấy phép khai thác được cấp phép trong nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Do đó, “cơ quan quản lý phải mất rất nhiều thời gian cho công tác khảo sát, rà soát, đánh giá tác động của quy định mới trên phạm vi toàn quốc để nghiên cứu, hoàn thiện nội dung quy định hướng dẫn thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành”, Tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ cũng nêu rõ.

Tuy nhiên, giải trình của Chính phủ không nhận được sự chia sẻ của hầu hết đại biểu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi xây dựng một luật phải có báo cáo đánh giá tác động. “Bây giờ trong tờ trình Dự thảo Nghị quyết lại bảo là tại thời điểm đó, khi ban hành ra luật mới đánh giá tác động thì phải xem lại. Không thể nói QH cứ ban hành luật rồi chúng tôi đánh giá sau”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Trường Giang gay gắt.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân thì thẳng thắn: “Không đồng tình cách giải trình của Chính phủ”. “Tờ trình nói Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định xin được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc chậm ban hành Nghị định 203 và Nghị định 82 cho thấy chưa thật sự nhận lỗi. Tờ trình của Chính phủ phải nghiêm túc nhận lỗi để Kỳ họp thứ Tám tới đây, QH đỡ mất thời gian cho việc này. Chính phủ không thể đổ lỗi cho khách quan (là vấn đề mới - PV) rồi bảo rút kinh nghiệm được!”.

Không nên truy thu

Vấn đề đáng quan tâm là theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề nghị sẽ miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (từ ngày 1.7.2011 đến ngày 31.12.2013) và không thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (từ ngày 1.1.2013 đến ngày 31.8.2017), tương ứng với khoảng thời gian tính từ khi Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực thi hành đến thời gian Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa, sẽ có khoảng 5.000 tỷ đồng (gồm 2.955 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và 2.112 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước) không được nộp vào ngân sách. Lý do được đưa ra là, trong khoảng thời gian trên, các doanh nghiệp đều đã quyết toán tài chính năm, đã công bố lỗ, lãi và đã nộp các khoản thuế, phí theo quy định; đã phân chia lợi nhuận. Nếu thu khoản này sẽ không khả thi, tạo gánh nặng, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp…

Nhiều đại biểu cho rằng, 5.000 tỷ đồng là một nguồn lực lớn đóng góp vào ngân sách. Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước đều quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng. Do vậy, phải thực thi luật để bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh bổ sung, QH vừa ban hành Nghị quyết số 70/2018 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó Khoản 2, Điều 4 quy định “không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo các cam kết hội nhập”. Nếu bây giờ không thu khoản tiền này là trái với Nghị quyết của QH.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn đồng tình với đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Ông Chuẩn phân tích, hiện, các doanh nghiệp trong ngành than - khoáng sản đang chịu 9 loại thuế và 6 loại phí, tức nhiều hơn 2 loại phí so với giai đoạn trước 2015. Riêng tại TKV, mỗi năm khai thác 40 triệu tấn than thì tăng hơn 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Nếu như cách đây 10 năm suất đầu tư 1 tấn than hầm lò khoảng 60 USD thì nay xấp xỉ 200 USD. Hiện, đối với 1 tấn than tiêu thụ trong nội địa, thuế và phí chiếm tới 29% giá thành. “Bây giờ nếu truy thu khoản thuế cấp quyền khai thác khoáng sản, tức thuế tăng thì tái đầu tư của doanh nghiệp càng khó khăn”, do vậy ông Chuẩn kiến nghị không nên hồi tố, miễn truy thu khoản tiền này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, không nên thu khoản tiền này vì “hệ quả sẽ lớn hơn số tiền chúng ta thu được”. Ông chỉ rõ, bây giờ doanh nghiệp quyết toán lỗ, lãi xong hết rồi, tiền lương cho công nhân cũng trả hết. Đặc biệt với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) năm nào cũng phải quyết toán, làm sao họ chấp nhận phát sinh khoản tiền khổng lồ để trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hay tài nguyên nước được. “Nếu chúng ta cố thu sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tới môi trường kinh doanh của Việt Nam”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Cho rằng lỗi ban hành nghị định hướng dẫn chậm, dẫn đến việc Chính phủ phải đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không thu tiền khai thác tài nguyên nước xuất phát từ Chính phủ chứ không phải do doanh nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng đề xuất “nên ủng hộ doanh nghiệp”. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, nếu Chính phủ muốn miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì cần làm rõ số tiền đó là bao nhiêu, cần sòng phẳng vì dự thảo Nghị quyết sẽ được trình ra QH.

Vũ Thủy