ỦY BAN DỰ THẢO HIẾN PHÁP

Lợi thế và hạn chế

- Thứ Sáu, 24/05/2013, 08:39 - Chia sẻ
Mặc dù việc sử dụng các UBDTHP độc lập, chí ít là với trách nhiệm chuẩn bị bản dự thảo hiến pháp là khá hạn chế thì mô hình này cũng có các ưu điểm đáng kể. Ủy ban có thể chuẩn bị các công việc sơ bộ quan trọng cho các cơ quan ra quyết định, và do đó công việc của một Quốc hội lập hiến sau này có thể được hoàn thành trong thời gian tương đối nhanh. Ủy ban có thể tăng cường giáo dục công dân và kiến thức về quy trình lập hiến và các vấn đề hiến pháp. Ủy ban có thể là một cơ quan có hiệu quả hơn trong việc tiếp nhận và phân tích các ý kiến và khuyến nghị của công chúng.

Có nhiều dữ kiện cho thấy một UBDTHP sẽ đặt lợi ích quốc gia trên lợi ích của cục bộ trong tương quan với một ủy ban của nghị viện. Bởi vì UBDTHP tương đối bất vụ lợi, nên nó có khả năng sẽ có hiệu quả hơn trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc gia; quy mô nhỏ và tính chuyên môn cao của UBDTHP cũng có nhiều khả năng mang lại một quy trình thảo luận thật sự hơn so với một Quốc hội lập hiến như ở Brazil.

Ngoài ra, phân công lao động cũng là một lợi thế của UBDTHP: một cơ quan đề xuất một dự thảo hiến pháp và một cơ quan khác thảo luận và thông qua nó, dựa trên ý tưởng rằng dự thảo cần đến chuyên môn, còn thông qua hiến pháp thì cần đến một quy trình có tính chính trị nhiều hơn. Một UBDTHP độc lập buộc các chính trị gia phải cân nhắc các khuyến nghị của các thành phần đan xen rộng rãi hơn trong xã hội. Với UBDTHP, quy trình lập hiến trở nên bền vững hơn, bất chấp những khác biệt sâu sắc giữa các lợi ích. Một UBDTHP độc lập được nhìn nhận là trung lập và có chuyên môn, hoàn thành chức trách của nó một cách minh bạch và chu toàn, có thể hợp pháp hóa cả quy trình lập hiến lẫn kết quả của quy trình đó.

Mặt khác, cũng cần phải nhận thức được những hạn chế của UBDTHP. Các chính trị gia có nhiều khả năng sẽ cảm thấy rằng dự thảo hiến pháp là của họ nếu như dự thảo được chuẩn bị bởi các chính trị gia hoặc trên danh nghĩa của họ bởi một ủy ban của nghị viện. Các cơ hội học hỏi dành cho chính trị gia có thể mất đi, bao gồm cả các cơ hội mà các chính trị gia học hỏi thông qua lắng nghe trực tiếp các quan điểm của nhân dân tại các buổi tham vấn công chúng. Cũng có rủi ro rằng UBDTHP có thể tách rời quy trình lập hiến hoàn toàn khỏi đời sống chính trị hiện tại. Ủy ban khó có thể thành công nếu như có những sự khác biệt căn bản mà chỉ có các bên tham gia vào xung đột trước đó mới có thể trực tiếp giải quyết được.

UBDTHP có thể bị thao túng bởi chính quyền hoặc các lực lượng khác. Và dù cho UBDTHP có thể giảm bớt gánh nặng công việc cho Quốc hội lập hiến thông qua các công việc đã hoàn thành, thì thời gian của quy trình lập hiến nói chung vẫn có khả năng phải tăng thêm bởi quá trình giáo dục công dân quá dài, cũng như bởi quá trình tiếp nhận và phân tích ý kiến của công chúng. Và do sức ép của các thành viên cộng đồng, những người ít khả năng có được một sự nhận thức đầy đủ về các chức năng thích hợp của hiến pháp, UBDTHP có thể đưa vào những khuyến nghị vốn bị nhiều người coi là không phù hợp cho một bản hiến pháp, ví dụ như các vấn đề về chính sách. Theo nghiên cứu so sánh về mười quy trình lập hiến với các quy trình có sử dụng mô hình UBDTHP, thì các UBDTHP này dường như không đưa ra một kết quả tốt hơn so với các quy trình sử dụng mô hình Quốc hội lập hiến hoặc ủy ban dự thảo của nghị viện với sự tham gia của các chuyên gia.