Chương trình 9+

Lối mở lập nghiệp

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:09 - Chia sẻ
Với nhiều học sinh, thi trượt tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với cánh cửa tương lai khép lại hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bạn trẻ đã chủ động chọn cho mình lối vào đời không qua cánh cửa đại học, đó là học xong chương trình Trung học cơ sở đăng kí theo học mô hình đào tạo 9+. Chọn lựa hướng đi này đã giúp tiết kiệm thời gian học, tiền bạc, nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động.

Đường vòng nhưng không xa

Chương trình 9+ không phải là chương trình đào tạo mới mẻ mà đã được các nước tiên tiến trên thế giới như: Đức, Nhật Bản… áp dụng từ rất lâu. Đó là chương trình dành cho lứa tuổi đã tốt nghiệp Trung học cơ sở đăng kí theo học tại các trường nghề. Quá trình học, học sinh được đào tạo văn hóa theo chương trình rút gọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh việc học văn hóa để lấy bằng THPT, học sinh còn học nghề để tích luỹ kiến thức, kỹ năng và thái độ sớm tham gia thị trường lao động. Cụ thể, học sinh có thể lựa chọn học theo chương trình đào tạo: 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học…Tại Việt Nam mô hình này hiện đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa vào thí điểm tuy nhiên bước đầu đã đạt được kết quả đáng mừng.

Chọn con đường học nghề sau lớp 9 là hướng đi mới của nhiều người trẻ để vào đời.
Nguồn ITN

Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 đã có những quy định tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.​​

Đánh giá về Chương trình 9+, Vụ phó Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Văn Giang cho biết, mô hình đào tạo 9+ là một trong những giải pháp phân luồng học sinh thông qua nghề nghiệp hiệu quả và là hướng mở cho những học sinh trượt cấp THPT. 

Thực tế, khi thông tin còn hạn chế cùng suy nghĩ học lên đại học là con đường duy nhất thoát thân đã khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội lập nghiệp. Thế nhưng hiện nay, với Chương trình 9+ giúp nhiều người trẻ vì nhiều lý do khác nhau không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học hành được đam mê với công việc yêu thích, có cơ hội thể hiện bản thân và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Tuy là đường vòng nhưng thời gian để khởi nghiệp có việc làm ổn định lại được rút ngắn. 

Cùng với sự chuyển động của đời sống KT - XH, việc lựa chọn học nghề kết hợp học văn hóa đã trở thành lựa chọn của nhiều học sinh, phụ huynh. Em Bùi Xuân Quang, 16 tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Trước khi vào học trường nghề em đã được tư vấn, giới thiệu kỹ. Xét thấy kinh tế gia đình không cho phép, em cũng thích học nghề nên thay vì thi và học đại học, em chọn học nghề để có thể nhanh chóng tốt nghiệp, đi làm và hỗ trợ gia đình". Thay vì học đại học, cao đẳng, Quang chọn cho mình chương trình học nghề 9+. Hiện, Quang đang theo học Khoa Tin học ứng dụng tại Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long. Có đồng quan điểm, chị Bùi Hà Giang (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con theo học ngành Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn tại Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long tâm sự: "Vừa học nghề, vừa học văn hóa, đặc biệt là còn được học chuyên ngữ - thật sự trước đây tôi không nghĩ là con có thể nắm chắc được kỹ thuật mà lại giỏi cả ngoại ngữ và sớm có thể tốt nghiệp, nhận 3 văn bằng chỉ với 3 năm học".

Không còn "một mình một chợ"

Trước sự chuyển động của thị trường lao động, nhất là trước tác động của cuộc cách mạng 4.0, các trường nghề cũng chuyển mình từ tư duy đào tạo nghề thụ động sang đào tạo theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, việc đào tạo không còn theo phương thức “một mình một chợ” mà đã có sự liên kết, bắt tay cùng doanh nghiệp để đào tạo nghề. Nhờ đó, chất lượng đào tạo sau học nghề của học sinh được nâng cao rõ rệt. Bằng chứng là có những trường các khóa đào tạo chưa tốt nghiệp nhưng doanh nghiệp lớn đã đến ký kết đầu ra về việc làm cho học sinh với mức thu nhập không hề nhỏ.

Là một trong những đơn vị tổ chức chương trình đào tạo 9+, Chủ tịch Hội đồng Trường trung cấp Công nghệ Thăng Long, PGS.TS. Lê Đình Trung cho biết, bên cạnh chương trình Trung học phổ thông rút gọn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học viên sẽ được lựa chọn học các ngành nghề như: Công nghệ thông tin, Chế biến món ăn, Chăm sóc sắc đẹp, Kế toán, Khách sạn - Du lịch. Và một  phần không thể thiếu là học ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Trong đó, ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc, học sinh sẽ được chọn ngoại ngữ thứ hai để học chuyên sâu như tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn hoặc tiếng Trung. Đặc biệt kỹ năng - phẩm chất, các môn trải nghiệm như Công dân toàn cầu, được chú trọng như các môn văn hóa.

Có thể thấy, các trường nghề đã thực sự nhập cuộc, tự đổi mới mình tạo mối liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo; bước đầu nỗ lực của các trường đã được xã hội dần đón nhận. Song, tổng hợp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở. Các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp, vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%… Những con số này cho thấy, chọn luồng giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn chưa được quan tâm nhiều. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ như miễn giảm học phí, chính sách sử dụng, tôn vinh người học nghề để từ đó làm thay đổi quan niệm “trọng bằng cấp hơn tay nghề” hiện nay.

Thái Yến