Lời hứa phải đi kèm kế hoạch cụ thể

- Thứ Tư, 04/05/2016, 07:48 - Chia sẻ
Để vận động bầu cử thành công, ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA (Thừa Thiên Huế) cho rằng, điều quan trọng nhất là các ứng cử viên phải có chương trình hành động cụ thể. Bởi, cử tri thường rất quan tâm tới việc các ứng cử viên sẽ làm được những gì nếu trở thành ĐBQH và làm gì để thực sự đại diện cho tiếng nói của cử tri? Bên cạnh đó, khi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên cũng cần có thái độ, cách nói năng và trang phục hợp lý, tùy từng hoàn cảnh và địa phương cụ thể. Hay nói cách khác, các ứng cử viên cần thể hiện rõ thái độ cầu thị trước cử tri, bởi cử tri chính là người quyết định và lựa chọn ĐBQH.

Sắp xếp, phân bổ hợp lý

-  Ông đánh giá thế nào về danh sách chính thức với 870 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV tại các đơn vị bầu cử mà Hội đồng Bầu cử Quốc gia vừa công bố ngày 27.4 vừa qua?

 Tiếp xúc cử tri với những chương trình hành động cụ thể là dịp để các ứng cử viên thể hiện được bản lĩnh và sự hiểu biết trước những vấn đề cử tri quan tâm. Qua đó, cũng là dịp để các ứng cử viên biến chương trình hành động trở nên thực chất hơn, sâu sắc hơn và đúng với nguyện vọng của cử tri hơn. Đó cũng sẽ là lời hứa được cử tri theo dõi và giám sát trong suốt nhiệm kỳ ĐBQH nếu được bầu của mỗi ứng cử viên.

- Chúng ta đều biết, QH bao gồm rất nhiều thành phần và cơ cấu nhằm bảo đảm tính đại diện cho mọi tầng lớp cử tri và nhân dân. Nhìn vào danh sách 870 ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV tôi thấy rằng, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xắp xếp, phân bổ khá là hợp lý và không có sự phân biệt đối xử giữa các ứng cử viên. Thậm chí, các đồng chí lãnh đạo cũng được phân bổ đều ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi chứa không chỉ tập trung tại các trung tâm thành phố lớn. Đây chính là cơ hội để các ứng cử viên khi trúng cử ĐBQH Khóa XIV có một cách nhìn toàn diện hơn về cuộc sống và nguyện vọng của cử tri trên cả nước; đồng thời, cũng là điều kiện để lãnh đạo có thể chứng minh năng lực cá nhân và tạo dấu ấn với cử tri và nhân dân, nhất là khi thời gian qua chúng ta vừa tổ chức kiện toàn lại bộ máy nhà nước từ Đảng, đến QH và Chính phủ.

- Ngay sau khi danh sách chính thức được công bố, các ứng cử viên sẽ bước vào giai đoạn vận động bầu cử. Theo ông, đâu là điều quan trọng nhất đối với các ứng cử viên ở giai đoạn nước rút này?

- Mỗi ứng cử viên xét trên phương diện cá nhân trong giai đoạn này đều là những người có năng lực và đạo đức đúng với tiêu chuẩn, song để trở thành ĐBQH hay không thì phải phụ thuộc rất nhiều vào vận động bầu cử. Trước hết phải khẳng định, dựa trên pháp luật về bầu cử, tiêu chuẩn về người ra ứng cử và có một quy trình phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan có liên quan trong bầu cử thì việc vận động bầu cử giữa các ứng cử viên là hết sức công bằng, văn minh. Để vận động bầu cử thành công, theo tôi điều quan trọng nhất là các ứng cử viên phải có chương trình hành động cụ thể. Bởi, cử tri thường rất quan tâm tới việc các ứng cử viên sẽ làm được những gì nếu trở thành ĐBQH và làm gì để thực sự đại diện cho tiếng nói của cử tri? Để đáp ứng được hai vấn đề này, có lẽ chương trình hành động của mỗi ứng cử viên phải rõ ràng và cụ thể để cử tri biết ứng cử viên phấn đấu để làm gì? Thậm chí, chương trình phải nêu bật những vấn đề bức xúc hiện này như tham nhũng, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi lời hứa của các ứng cử viên về những vấn đề cụ thể, sát với mong muốn của nhân dân thì kèm theo đó phải là những kế hoạch hành động cụ thể, tỷ mỷ và thể hiện được trách nhiệm của ứng cử viên trong đó. Vì thực tế, cử tri không còn muốn nghe những lời hứa suông từ các ứng viên. Bên cạnh đó, khi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên cũng cần có thái độ, các nói năng và ăn mặc hợp lý, tùy từng hoàn cảnh và địa phương cụ thể. Bởi dấu ấn bên ngoài cũng ảnh hưởng khá nhiều đến suy nghĩ của cử tri về cá nhân ứng cử viên. Nói tóm lại, để vận động bầu cử thành công, các ứng cử viên cần thể hiện rõ thái độ cầu thị với cử tri, bởi cử tri chính là người quyết định và lựa chọn ĐBQH.

ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại Hội trường Ảnh: Quang Khánh

Thể hiện tốt qua hình thức vận động truyền thống

- Hiện tại, pháp luật về bầu cử đã quy định những hành vi cấm đối với các ứng cử viên khi vận động bầu cử như dùng tiền, hay vật chất để mua chuộc cử tri... Theo ông, để kiểm soát được những hành vi cấm thì cần phải làm gì?

- Trước hết, với những hành vi như vậy chắc chắn ứng cử viên đó hoàn toàn không xứng đáng để làm ĐBQH. Theo tôi, để kiểm soát được những hành vi như vậy, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể sẽ vô cùng quan trọng, bởi đây chính là các cơ quan có đủ điều kiện để nắm bắt mọi tình huống xảy ra trong suốt quá trình bầu cử. Bên cạnh đó, chính cử tri và nhân dân cũng là kênh giám sát quan trọng để việc vận động bầu cử bảo đảm được tiến hành công bằng, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Từ kinh nghiệm cá nhân tôi cho rằng, các ứng cử viên trước hết phải tuần thủ theo những hình thức vận động truyền thống, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, hình thức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Thể hiện tốt ở hai hình thức này, có lẽ mỗi ứng cử viên cũng đã chứng minh được gần hết năng lực và bản lĩnh của mình.

- Không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp giai đoạn 2016 – 2021 đang khá là rầm rộ. Ông có nhắn nhủ gì đến với cử tri – những người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn ra những người đại biểu dân cử có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực?

- Đúng là như vậy, cử tri vừa lựa chọn, vừa đánh giá và sẽ trực tiếp giám sát những ứng viên sẽ trở thành ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp giai đoạn 2016 – 2021. Do đó, tôi mong muốn, mỗi cử tri với sự hiểu biết ngày càng được nâng cao sẽ đưa ra được lựa chọn xác đáng, đãi cát tìm vàng để có được những gương mặt ưu tú, đại diện cho tiếng nói và mong muốn chính đáng của chính cử tri và nhân dân cả nước. Bởi, kết quả của bầu cử sẽ tác động trực tiếp vào lợi ích của chính cử tri.

- Xin cảm ơn ông! 

Trung Thành thực hiện