Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông

Lời giải bài toán ô nhiễm môi trường

- Thứ Ba, 02/06/2020, 08:45 - Chia sẻ
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông - Vận tải đã bổ sung quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Đề xuất này nhằm góp phần kiểm soát lượng khí phát thải từ phương tiện giao thông, từ đó đưa ra lời giải bài toán ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để quy định được thực hiện hiệu quả, đòi hỏi chính quyền địa phương cần có giải pháp đồng bộ với lộ trình cụ thể.

Đề xuất kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy

Theo Quyết định số 356/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự kiến năm 2020 cả nước có khoảng 3,2 - 3,5 triệu ô tô và có khoảng 3,6 triệu xe máy. Nhưng đến nay, riêng số xe máy trên địa bàn Hà Nội đã gần gấp đôi mức dự kiến cho cả nước đưa ra 7 năm trước đó. Ngay cả khi đã sụt giảm 3% trong quý I.2020, thị trường xe máy Việt Nam vẫn đứng thứ 4 thế giới và được cho là vẫn tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 8,5 triệu phương tiện xe máy và Thủ đô Hà Nội khoảng 6 triệu xe, trong đó có nhiều xe cũ, quá niên hạn sử dụng.

Theo các chuyên gia giao thông, mỗi ngày, số phương tiện này thải ra một lượng lớn khí phát thải độc hại ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân đô thị. Để khắc phục, Hà Nội phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030; TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với Đề án tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 29% trong khi con số này của Hà Nội là 50%.

Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Trần Khanh cho biết, theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, từ tháng 1.1.2017, các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3. Song, đến nay mới chỉ có Đề án kiểm soát khí thải ô tô, xe máy được Chính phủ ban hành vào năm 2010, còn Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Trước tình trạng số lượng phương tiện xe máy vẫn tiếp tục gia tăng, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở mức báo động, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) của Bộ Giao thông - Vận tải vừa trình Chính phủ mới đây đã bổ sung quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Đề xuất này nhằm góp phần kiểm soát lượng khí phát thải từ phương tiện mô tô, xe gắn máy, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hiện, Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng một số phương án và lộ trình thực hiện việc kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy theo từng giai đoạn, từng đối tượng và từng địa phương. Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm tại một số địa phương có số lượng phương tiện xe máy không quá lớn và người dân ủng hộ những chính sách bảo vệ môi trường, trước khi được nhân rộng ra các đô thị khác.

Có lộ trình phù hợp

Thời gian gần đây, khi nhịp độ giao thông đã thực sự trở lại ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với hơn 80% lượng phương tiện lưu thông là xe máy, sắc đỏ đã chiếm ưu thế trên bảng quan trắc không khí đô thị. Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông - Vận tải Chu Mạnh Hùng, để giảm ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông, đưa việc kiểm định khí thải mô tô xe máy vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là cần thiết. Bởi, với quy mô đông đảo và tỷ lệ áp đảo trong tổng phương tiện cá nhân, với tình trạng hoàn toàn không kiểm soát được khí thải cho đến nay, số lượng xe máy ngày càng tăng thực sự là một “nút thắt” trong việc tháo gỡ bài toán môi trường không khí đô thị.


Nguồn: INT

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện đăng kiểm, cũng như công tác quản lý phương tiện như hiện tại, lộ trình triển khai chắc chắn sẽ không ngắn và không thể dễ dàng. Thực tế cũng cho thấy, khi yêu cầu cải thiện chất lượng môi trường đô thị ngày càng cấp bách thì việc “làm sạch” phương tiện giao thông cá nhân cũng cấp bách không kém, nhưng sự dịch chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch những năm qua lại rất chậm. Do đó, để quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đi vào thực tiễn và được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đòi hỏi chính quyền các đô thị cần có giải pháp đồng bộ trong quản lý, với lộ trình cụ thể. Hay nói cách khác, trước khi kiểm soát được tiêu chuẩn khí thải của phương tiện, cần có bước đi rõ ràng với các phương tiện biết chắc là “không sạch” như ô tô hết niên hạn, xe máy cũ nát.

Ngoài ra, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế lượng khí phát thải của phương tiện thông qua việc thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng phương tiện thường xuyên, sử dụng nhiên liệu sinh học và tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt, cần bổ sung những chế tài xử phạt để mang tính răn đe, từ đó nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Trong quá trình triển khai thực hiện, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Hiểu Lam