Tản mạn

Lời chào người đã khuất

- Thứ Ba, 09/04/2019, 08:25 - Chia sẻ
Tôi tin rằng trên đời này có nhiều chuyện để nói và đáng nói, có nhiều cái chết cần tìm nguyên nhân nhưng lại bị lờ đi. Ngược lại, có những cái chết đáng nhẽ ra hãy để người chết được yên, đằng này người ta lại thi nhau mổ xẻ...

Đọc lại “Trăm năm cô đơn”, có đoạn hơn ba nghìn người của công ty chuối bị nã đạn trên quảng trường rồi xếp gọn trên đoàn tàu 200 toa, để rồi cuối cùng bị quăng thây xuống biển. Ngày hôm sau, không một dấu vết còn lại, chính phủ chối bay chối biến cả sự tồn tại của công ty chuối đó. Và hơn ba nghìn người vốn dĩ mất tích ấy, được thông báo là đã trở về, chẳng có gì xảy ra ở Macondo cho đến khi cơn gió thế kỷ lùa tất cả những hoài nhớ thành cát bụi.

Tôi tin rằng trên đời này có nhiều chuyện để nói và đáng nói, có nhiều cái chết cần tìm nguyên nhân nhưng lại bị lờ đi. Ngược lại, có những cái chết đáng nhẽ ra hãy để người chết được yên, đằng này người ta lại thi nhau mổ xẻ.

Nghệ sĩ Anh Vũ mất cùng ngày với nam tài tử Hong Kong Trương Quốc Vinh. Cùng là ngày Cá tháng tư, cùng đột ngột. Và rồi cái cách một tờ báo khai thác về nguyên nhân cái chết của anh khiến tôi nhớ đến cách một thời báo chí Hong Kong đối xử với Vinh. Họ bảo Vinh tự tử vì bị người tình đồng tính phản bội, họ bảo anh trầm cảm vì đã qua thời đỉnh cao, đã hết thời. Những người đó vốn dĩ chẳng biết gì về Vinh. Người biết, họ chỉ có một dòng: “Trời đất lâu bền rồi cũng tận, tình này muôn thuở vẫn miên man”.

Mà nhân nhớ lại, có một lần cũng đọc báo, tôi vừa bực, vừa buồn. Hồi ấy là khi Bernando Bertolucci qua đời. Một đạo diễn vĩ đại như thế, vậy mà xác người còn chưa lạnh, người ta nỡ giật tít thế này: “Đạo diễn có cảnh cưỡng hiếp gây tranh cãi qua đời”. Cả một di sản điện ảnh đồ sộ mà Bertolucci để lại, cuối cùng trong mắt người ta vo viên lại chỉ còn có thế đấy!

Lại nói “Trăm năm cô đơn”, một đời oanh liệt của đại tá Aureliano Buendia sau rốt cũng chỉ còn là một cái xác với đàn diều hâu đang sà xuống, sà xuống gặm nhấm từng chút một dưới gốc cây dẻ nơi cha ông cũng đã bị trói gần như suốt cuộc đời.

Ngược đời là khi ấy, ngay đến một tờ báo bị cho là lá cải cũng viết về Bertolucci với nhiều trân quý: “Vĩnh biệt Bernando Bertolucci!”. Vậy mà, có những người tự nhận mình thuộc tầng lớp cao hơn, lại vô cảm đến thế trong giờ phút thác sinh của một người đã hết đời hiến dâng cho nghệ thuật.
Tôi vẫn cầu mong họ đã viết ra những điều vô cảm đó trong vô thức.

Hiền Trang