Giải trình về kết quả thực hiện các đề án phát triển kinh tế huyện Thanh Trì, TP Hà Nội

Lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững

- Thứ Hai, 27/05/2019, 08:12 - Chia sẻ
Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện Thanh Trì, Hà Nội mới đây về kết quả thực hiện các đề án phát triển kinh tế trên địa bàn, các đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi xoay quanh những vấn đề liên quan đến tốc độ phát triển kinh tế, nhất là việc giải quyết nguồn nước tưới phục vụ sản xuất lúa, hỗ trợ kinh phí mua lúa giống, lộ trình thực hiện cơ giới hóa cho Đề án “Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Thanh Trì giai đoạn 2017 - 2021”; giải pháp nâng cao năng suất rau an toàn trong thực hiện Đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất rau an toàn tập trung huyện Thanh Trì”…

Nâng cao hiệu quả vùng sản xuất rau an toàn

Thường trực HĐND huyện đề nghị UBND huyện, các phòng, ban, ngành thuộc huyện, UBND các xã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế theo hướng phân công rõ người, rõ việc và lộ trình thực hiện, bảo đảm tính nghiêm túc, tạo chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, UBND huyện cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng các xã có quy hoạch thực hiện 2 đề án tăng cường trách nhiệm kiểm tra, nắm tình hình để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cần gắn kết trách nhiệm của cán bộ chuyên môn để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu, cùng tham gia thực hiện đề án ở giai đoạn tiếp theo.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì Trần Văn Khương

Những năm qua, huyện Thanh Trì luôn xác định rõ xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa mà quan trọng nhất chính là phải nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Vì vậy, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện, diện tích vùng sản xuất rau an toàn (RAT) toàn huyện chiếm khoảng 140,5ha, trong đó có 52ha tập trung tại xã Yên Mỹ, Duyên Hà đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quỳnh Lan, trong chỉ tiêu cụ thể của Đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất rau an toàn tập trung huyện Thanh Trì”, việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua đạt 80%. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện mới chỉ đạt được 40%. Để đạt được chỉ tiêu trên thì thời gian tới, UBND xã Yên Mỹ sẽ có những giải pháp nào?

Trước vấn đề đại biểu đặt ra, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết, toàn xã hiện có 68ha được công nhận là vùng sản xuất RAT, trong đó, có 21ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. So với năm 2016 khi bắt tay vào triển khai đề án chỉ có 21 hộ tham gia vào chuỗi liên kết, nhưng nay đã tăng lên 121 hộ đăng ký tham gia, trên tổng diện tích 19ha. Đặc biệt, sau khi xã ký hợp đồng liên kết chuỗi với HTX An Phát đã tiêu thụ thường xuyên hơn 80% sản lượng rau cho người dân, thậm chí, có thời điểm “cung không đủ cầu”. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu tại các bếp ăn trường học, cơ quan, xí nghiệp nên trong mỗi dịp nghỉ hè (từ tháng 6 - 9), sản lượng rau tiêu thụ chỉ đạt khoảng 40%. Khắc phục tình trạng trên, người dân trong xã đã chủ động giảm diện tích trồng rau vụ hè thu nên sản lượng bảo đảm được đầu ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng tiếp tục nêu câu hỏi, ở giai đoạn tiếp theo của Đề án, năng suất bình quân phải đạt 400tạ/ha/năm. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, năng suất mới chỉ đạt trung bình 198 tạ/ha/năm (đạt 49,5%). Làm rõ các giải pháp cụ thể để có thể hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra theo yêu cầu đại biểu, Trưởng phòng kinh tế huyện Nguyễn Huy Toàn cho biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục cập nhật các tiến bộ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật cho bà con duy trì ổn định vùng trồng rau an toàn 140,5ha và diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP lên 102ha. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các giống rau mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đa dạng hóa chủng loại rau, đưa thêm các loại rau ăn lá vào sản xuất, nâng cao hệ số quay vòng đất.


Đại biểu tham gia phát biểu tại phiên giải trình Ảnh: Trần Tâm

Giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất

Mục tiêu của Đề án “Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao huyện Thanh Trì giai đoạn 2017 - 2021” sẽ có sự liên kết sản xuất lúa giống cung cấp cho thị trường, trước mắt là phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn chậm triển khai. Trước câu hỏi việc sản xuất lúa giống có thực hiện được không, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Huy Toàn cho biết: Theo lộ trình của Đề án trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ liên kết với Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông để xây dựng vùng sản xuất lúa giống với diện tích 50ha tập trung tại xã Vĩnh Quỳnh. Nhưng trên thực việc sản xuất lúa giống hiện chưa thực hiện được. UBND huyện đã làm việc với Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông thống nhất việc sản xuất lúa giống sẽ được thực hiện trong vụ xuân năm 2021. UBND huyện sẽ tăng cường tuyên truyền tập huấn về quy trình, kỹ thuật và hiệu quả của việc sản xuất lúa giống; hỗ trợ kinh phí để sản xuất thử nghiệm lúa giống; hỗ trợ việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống giữa Trung tâm chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông với các hộ nông dân.

Mặc dù việc thực hiện Đề án đang từng bước có hiệu quả nhưng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì lại đang rơi vào tình trạng ô nhiễm. Theo đại biểu Khuất Văn Sơn, vì chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ nên sản xuất nông nghiệp của các xã trên địa bàn huyện nói chung và 3 xã (Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh và một phần xã Đại Áng) nằm trong vùng sản xuất lúa tập trung của huyện nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị, UBND huyện cần có giải pháp cụ thể để khắc phục.

Lý giải vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Đức Quỳnh khẳng định, UBND huyện đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị UBND thành phố, các sở ngành. Ngày 31.10.2018, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND thành phố với huyện, UBND huyện tiếp tục kiến nghị thành phố nâng cấp, mở rộng Dự án cấp nước sông Hồng qua kênh Hồng Vân giai đoạn II để mở rộng diện tích cấp nước sông Hồng phục vụ sản xuất. Ngoài ra, huyện đã phối với BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN - PTNT thành phố kiểm tra, đề xuất thành phố cho phép thực hiện cải tạo, nâng cấp một số hệ thống kênh nhánh trên địa bàn, nhằm tăng lưu lượng cấp nước sông Hồng cho huyện Thanh Trì (trong đó có xã Tả Thanh Oai). Mặt khác, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá dự kiến hoàn thành trong năm 2019 sẽ góp phần cải thiện nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Về nội dung này, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trần Văn Khương đề nghị UBND huyện cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi quá trình thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

TRẦN TÂM