Thế giới hướng tới luật thuế dịch vụ kỹ thuật số

Lỗ hổng của hệ thống thuế quốc tế

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 09:08 - Chia sẻ
Kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, internet, thực tế ảo… đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, hệ thống thuế quốc tế hiện còn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến các công ty công nghệ lợi dụng phải chỉ trả mức thuế rất thấp, hoặc không phải trả bất cứ đồng thuế nào trong khi thu được lợi nhuận khổng lồ.

Các công ty lách luật như thế nào?

Theo một điều tra của hãng tin Bloomberg năm 2018, Google đã tiết kiệm cho mình tới 3,7 tỷ USD tiền thuế trong năm 2016 bằng cách lợi dụng một loại cơ cấu thuế có tên là “Double Irish” và “Dutch Sandwich” chuyển tiền giữa Ireland, Hà Lan và Bermuda. Năm 2017, Apple chuyển công ty con nắm giữ hầu hết số tiền mặt ở hải ngoại không bị đánh thuế đến đảo Jersey, số tiền này lên đến 252 tỷ USD. Trong khi đó, Amazon không trả thuế doanh nghiệp liên bang ở Mỹ năm 2018 mặc dù lợi nhuận tới 11,2 tỷ USD.

Theo điều tra của truyền thông Mỹ, Microsoft đã lập các công ty con ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế doanh nghiệp thấp ưu đãi như Ireland, Singapore và Puerto Rico. Các công ty con này “sao chép” công nghệ của Microsoft và bán trở lại Mỹ cho các khách hàng đối tác. Nếu Microsoft mang khoản thu nhập công bố ở nước ngoài về Mỹ, hãng này sẽ nợ thuế khoảng 45 tỷ USD (thời điểm năm 2017).

Trong biên bản cuộc họp hội đồng châu Âu vào tháng 11.2017, có một ý kiến rằng: “Nếu chỉ được phép đánh thuế khi một doanh nghiệp có trụ sở hiện diện tại quốc gia sở tại thì sẽ không còn phù hợp với thời đại kinh tế số nữa. Vì kể cả khi không xuất hiện ở nước sở tại, các tập đoàn công nghệ vẫn tạo ra những giá trị khổng lồ, đặc biệt là về lợi nhuận mà lẽ ra phải đánh thuế”. Chính vì lẽ đó mà các quốc gia EU đau đầu nghĩ phương thức đánh thuế những tập đoàn kiếm được người sử dụng dịch vụ và qua đó thu lợi nhuận ngay cả khi không cần có mặt ở đất nước đó.

Hiện tại, các công ty truyền thống tại EU đóng 23% thuế trên lợi nhuận. Còn các công ty Internet đóng 8 - 9% thuế trên lợi nhuận. Chính vì vậy, trang thương mại điện tử Amazon thu về 21,6 tỷ euro trên thị trường châu Âu năm 2016 nhưng chỉ đóng thuế có 16,5 triệu euro.


Hội nghị G20 tại Fukuoda, Nhật Bản

Đó là chưa kể tới sự tồn tại của các “thiên đường” thuế châu Âu như Hà Lan hay Ireland. Các công ty đa quốc gia đồng ý để lại một phần thu nhập ở lại chi nhánh ở Hà Lan và phần thu nhập đó sẽ phải chịu thuế. Tuy nhiên, đổi lại, họ được phép chuyển lợi nhuận ra nước khác mà không phải đóng thuế.

Yahoo năm 2009 đã nộp khoản thuế 1,2 triệu euro cho chính phủ Hà Lan. Đổi lại, chi nhánh Yahoo Hà Lan đã được chuyển 101 triệu euro lợi nhuận tới một thiên đường thuế thứ 3 với mức thuế suất bằng 0 như Bermuda và Cayman.

Lợi nhuận khổng lồ nhưng dựa vào việc không có trụ sở ở nước sở tại, lại thêm sự giúp sức của những thiên đường thuế, không ngạc nhiên khi các tập đoàn công nghệ đa quốc gia khiến nhiều nước EU khác “nóng mắt”. Nếu có thể nắm được đằng chuôi, Hội đồng EU ước tính có thể thu về thêm 5 tỷ euro tiền thuế mỗi năm, chỉ có điều là đánh thuế thế nào và dựa vào tiêu chuẩn gì để đánh thuế.

Vá lỗ hổng

Để khắc phục “lỗ hổng” trong hệ thống thuế quốc tế, tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 9.6 ở Fukuoka (Nhật Bản), các quan chức tài chính đã đồng ý về tính cấp thiết xây dựng một hệ thống toàn cầu để đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook.

G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu sửa chữa một hệ thống thuế quốc tế để “vá lỗ hổng” đang giúp các gã khổng lồ công nghệ lợi dụng chỉ trả phải mức thuế rất thấp ở những nơi như Ireland, trong khi không phải trả bất cứ đồng thuế nào ở những nước đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ.

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên hội nghị G20 một lộ trình, đã được 129 nước ký kết, nhằm đạt được giải pháp lâu dài vào năm 2020. Các bộ trưởng G20 đang cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên số lượng doanh nghiệp mà một công ty sở hữu tại một quốc gia, chứ không phải nơi có trụ sở chính.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng, các “đại gia” công nghệ toàn cầu sẽ là mối đe dọa đối với tính cạnh tranh và có thể gây bất lợi cho thuế dịch vụ kỹ thuật số nếu họ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Và việc đánh thuế các “đại gia” internet một cách công bằng là cách giải quyết điều mà người dân đang đánh giá là “một sự bất công trong hệ thống thuế”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh trong cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách hàng đầu trước cuộc họp G20, “Chúng ta phải nhanh lên”. Ông kêu gọi thiết lập một khung thời gian để tạo sự đồng thuận toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thể hiện cái nhìn thẳng thắn về các chính sách hiện nay ở Anh và Pháp, nơi đã áp dụng mức thuế của riêng họ đối với “người chơi” kỹ thuật số, vì thiếu sự đồng thuận toàn cầu.

Trong khi vẫn còn những khác biệt về cách thức cải cách thuế kỹ thuật số, các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng cần phải có một cách tiếp cận toàn cầu để đánh thuế các doanh nghiệp internet lớn. Ông Mnuchin đồng ý rằng “một cách tiếp cận thuế phân mảnh là không tốt cho bất kỳ nước nào”.

Nguyễn Nhâm