Đàm phán Mỹ - Taliban

Lỡ hẹn không có nghĩa là chấm dứt

- Thứ Ba, 10/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Với thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy cuộc gặp ba bên chưa từng có trong lịch sử với lực lượng Taliban và lãnh đạo Afghanistan, các bên đã “lỡ hẹn” với Trại David, một địa điểm hòa giải mang tính biểu tượng trong lịch sử quan hệ quốc tế, điều có thể báo hiệu bước ngoặt đáng kể cho cuộc chiến đã kéo dài gần 20 năm ở Afghanistan. Tuy nhiên, sự lỡ hẹn này chỉ là tạm thời và nhiều khả năng không làm thay đổi kế hoạch của Mỹ rút chân khỏi đất nước này.

Sự lỡ hẹn được báo trưc

Việc Tổng thống Donald Trump thông báo tiến hành cuộc gặp mang tính lịch sử với lực lượng khủng bố, diễn ra chỉ hai ngày trước lễ kỷ niệm 18 năm vụ tấn công nhằm vào tòa tháp đôi tại New York ngày 11.9.2001, đã gây ra làn sóng công phẫn trong giới chính trị “diều hâu” ở Mỹ, bao gồm cả đồng minh của ông Trump.

“Trại David là nơi các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhóm họp để đưa ra kế hoạch trả thủ sau khi vụ khủng bố của Al Qaeda, với sự ủng hộ của Taliban, đã cướp đi sinh mạng của 3.000 người Mỹ ngày 11.9. Không thành viên nào của Taliban được đặt chân đến địa điểm này” – thành viên đảng Cộng hòa Liz Cheney, con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney phản ứng. Còn ứng cử viên Dân chủ Julian Castro thì bình luận: “Thật khó hiểu và không thể giải thích khi có thể mời một tổ chức khủng bố như Taliban tới Trại David”.

Trong quan hệ quốc tế, Trại David là địa điểm mang tính biểu tượng, đã hai lần đi vào lịch sử. Lần thứ nhất là tháng 9.1978, khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter mời Tổng thống Ai cập Awar al-Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin đến để đàm phán hòa bình đưa đến thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ hai nước. Hiệp ước Trại David ra đời, trở thành thỏa thuận hòa bình đầu tiên giữa nhà nước Israel và một trong các láng giềng Ảrập, đã đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai bên. Trại David hoàn thành sứ mệnh lịch sử thứ hai của mình là vào tháng 7.2000, khi nơi đây chứng kiến cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Israel Ehud Barak và Chủ tịch Palestine Yasser Arafat.

Tuy nhiên, cũng chính ông Donald Trump thông báo hủy cuộc gặp sau khi Taliban, như ông Trump bình luận trên Twitter, đang “cố tạo ra một đòn bẩy sai lầm” bằng cách gây ra vụ đánh bom tự sát tại Kabul hôm 6.9 khiến một lính Mỹ và 11 người thiệt mạng. “Nếu Taliban không thể tuân thủ lệnh ngừng bắn trong cuộc đàm phán hòa bình rất quan trọng này, thậm chí còn giết 12 người vô tội, có lẽ họ cũng không có năng lực để thỏa thuận một hiệp định có ý nghĩa”, ông Donald Trump tỏ ra tức giận.


Quang cảnh vụ tấn công của Taliban ngày 6.9

Sự vội vàng của Mỹ

Sau gần 18 năm hao người tốn của cho cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Mỹ đang tìm cách thoát khỏi tình trạng sa lầy về chính trị, an ninh và quân sự ở nơi đây trong danh dự. Đây cũng là một trong những cam kết và mục tiêu của ông Donald Trump. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, ông Trump cần tiến triển cụ thể ở Afghanistan làm đòn bẩy chính trị.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 9 với Taliban cùng thỏa thuận về nguyên tắc, theo đó Mỹ lên kế hoạch rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày, ông Trump đã có một quyết định táo bạo: Mời các nhà lãnh đạo Taliban đến Mỹ. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ và là bước phát triển quan trọng trong cuộc chiến dài nhất của Mỹ đang diễn ra, chỉ vài ngày trước kỷ niệm vụ tấn công khủng bố 11.9.

Tuy nhiên, quyết định này không nhận được sự ủng hộ của chính giới Mỹ. Nhà phân tích quân sự của CNN John Kirby, cựu Phó đô đốc hải quân, cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng, cuộc gặp ở Trại David nếu diễn ra sẽ cho Taliban lợi thế chính trị không đáng được hưởng trong giai đoạn đàm phán hiện nay và sẽ là chiến thắng tuyên truyền đáng kể với Taliban, chưa kể đây sẽ là cú tát vào mặt chính phủ Afghanistan. Có lẽ chính ông Donald Trump cũng nhận ra sự vội vã của mình và cần cái cớ để rút khỏi quyết định đó trong danh dự, điều mà Taliban đã trao cho ông bằng vụ tấn công ngày 5.9.

Laurel Miller, quan chức ngoại giao của Mỹ về Afghanistan và Pakistan giai đoạn 2013 - 2017 nhận định: “Không có lý gì để ông Donald Trump hủy cuộc gặp vì một cuộc tấn công. Bởi thực tế, Taliban vẫn tiến hành tấn công trong suốt thời gian qua”. Rõ ràng ông Donald Trump cần cái cớ để rút lui khỏi một bước đi mà họ nhận thấy là họ hơi vội vàng” - nhà phân tích Michael Kugelman nhận định. “Sẽ không có chuyện ông Trump vì một binh lính Mỹ bị thiệt mạng mà thay đổi chiến lược hay chính sách nào đó đang được triển khai thực hiện ở Afghanistan và với Taliban. Quyết định hủy cuộc hòa đàm bí mật nhiều khả năng xuất phát từ nhu cầu đối nội và bị buộc phải như vậy”.

Sự quá đà của Taliban

Đứng ở góc độ lực lượng Taliban, được khuyến khích bởi một loạt nhượng bộ của Mỹ trong 6 năm qua, Taliban đã leo thang các cuộc tấn công khủng bố và giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường trước các lực lượng Afghanistan.

Bên cạnh đó, Taliban nắm được tâm lý nôn nóng của Chính quyền Donald Trump, đó là rút chân khỏi vũng lầy Afghanistan bằng mọi giá. Đồng thời họ biết rằng thời gian đứng về phía mình khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Do vậy, một mặt họ lựa chọn lập trường cứng rắn khi đàm phán các chi tiết của một thỏa thuận cuối cùng; một mặt họ tiếp tục gây áp lực lên chiến trường bằng các vụ tấn công mà biết rằng Washington vẫn không thể từ bỏ đàm phán. Tuy nhiên, cuộc tấn công vừa qua đã khiến 1 lính Mỹ thiệt mạng, lại diễn ra đúng vào thời điểm chính giới Mỹ phản ứng gay gắt về cuộc gặp ở Trại David, đã buộc ông Trump phải cho tạm hoãn tiến trình này. Vụ tấn công khiến 1 lính Mỹ thiệt mạng (trước đó các cuộc tấn công của Taliban chỉ nhằm vào lực lượng Afghanistan mà không ảnh hưởng đến lực lượng Mỹ), cho thấy Taliban đã sơ suất hoặc quá đà với sách lược vừa đánh vừa đàm.

Cơ hội vẫn ở phía trước

Dù vậy, việc ông Donald Trump có ý định và có kế hoạch cụ thể cho hòa đàm trực tiếp hoặc thông qua trung gian giữa Taliban và chính phủ Afghanistan ở Trại David, cho dù bị tạm hủy, vẫn báo hiệu là tình hình ở Afghanistan đang ở trước những chuyển biến mang tính quyết định, giải pháp chính trị cho đất nước này đang dần định hình và không còn xa.

Điều này được khẳng định qua tuyên bố đầy tự tin của Taliban, rằng “người Mỹ sẽ quay trở lại bàn đàm phán”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một thông báo hôm 8.9 cũng cho biết, ông “không bi quan” về tiến trình hòa bình cũng như không loại trừ việc nối lại đàm phán với lực lượng nổi dậy, với điều kiện Taliban “thay đổi thái độ” và “tôn trọng những gì đã cam kết”. Ông cũng một lần nữa khẳng định “một thỏa thuận về nguyên tắc đã ở trên bàn đàm phán sau những nỗ lực to lớn của hai bên”.

Quỳnh Vũ