Linh hoạt và nhân văn

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:28 - Chia sẻ
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đề nghị không thu thuế thu nhập cá nhân với hơn 2.700 công nhân lao động mất việc, được Công ty PouYuen, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ thôi việc bằng tiền.

Để giúp công nhân lao động bớt khó khăn sau khi mất việc làm, doanh nghiệp này tự nguyện hỗ trợ những lao động mất việc tiền trợ cấp thôi việc tính theo thâm niên công tác. Trung bình mỗi người được nhận khoảng 60 - 70 triệu đồng. Những người làm việc lâu năm được nhận gần 250 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng. Đây là số tiền rút từ Quỹ An sinh xã hội của công ty, là khoản chi trả ngoài phần chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với số tiền được hỗ trợ từ doanh nghiệp, những công nhân bị mất việc vẫn phải chịu 10% thuế thu nhập cá nhân. Tương tự, Công ty Huê Phong cũng phải chấm dứt hợp đồng lao động với 2.220 công nhân. Công ty đã dành ra gần 53 tỷ đồng để chi trả trợ cấp mất việc, đồng thời trả đủ lương cho thời gian còn thời hạn hợp đồng lao động mà không cần đi làm, với tổng số tiền 15,7 tỷ đồng.

Đây là 2 doanh nghiệp có số lượng nhân sự sa thải cao nhất tại TP Hồ Chí Minh do những đơn vị này chuyên gia công theo đơn đặt hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Mỹ, sử dụng rất nhiều công nhân. Khi dịch Covid - 19 còn chưa được kiềm chế ổn định, những doanh nghiệp này thiếu đơn hàng trầm trọng, dẫn đến việc thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải nhân viên trên diện rộng.

Có thể nói, trong cái rủi có cái may. Bởi hai doanh nghiệp trên dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng khi cắt giảm lao động, họ cũng đã làm hết sức để có những chính sách thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi của người lao động, nên được đông đảo người lao động đồng tình và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Trong lúc bĩ cực, họ đã không quay lưng với chính “giá trị” của mình. Vấn đề là ở chỗ, người lao động sẽ bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% đối với khoản hỗ trợ này. Về lý, việc phải nộp thuế thu nhập cá nhân là đúng bởi đây được xem là thu nhập tăng thêm ngoài quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Nhưng về tình, công nhân bị mất việc lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, chưa biết tương lai như thế nào, có nhất thiết thu thuế trên số tiền mà doanh nghiệp chia sẻ với người lao động?

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động thì không chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với khoản trợ cấp thôi việc vượt mức quy định của Bộ luật Lao động thì phải tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công và cuối năm công nhân công ty thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo quy định. Tuy vậy, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ xem xét kiến nghị và báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính không thu 10% thuế  của khoản trợ cấp này.

Thực tế, đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ và nó đã đẩy hàng vạn công nhân tới chỗ mất việc làm. Khoản tiền được công ty trợ cấp, phần lớn công nhân dành để trả nợ hay sinh sống trong khi chờ tìm việc làm mới. Đây không hẳn chỉ là trợ cấp thôi việc bình thường mà họ bị mất việc trong giai đoạn đầy khó khăn, chưa biết đến bao giờ mới có được việc làm, thu nhập để sinh sống. Việc thu thuế thu nhập cá nhân trên số tiền ấy chẳng khác nào “tận thu” từ khoản bồi thường của những người đang thất nghiệp. Trong khi mục tiêu của Chính phủ khi đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là để hỗ trợ, để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có công nhân.

Do đó, rất cần sự linh hoạt và có tính nhân văn khi thực hiện quy định của pháp luật trong thời điểm dịch bệnh. Nếu như chúng ta đang rất khó hỗ trợ cho người lao động, có thể tìm cách giảm thuế cho doanh nghiệp và người lao động để sớm phục hồi kinh tế. Trong trường hợp này, nên tạo điều kiện cho họ được hưởng 100% khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp. Đó cũng là một cách giúp người lao động có thêm khoản thu nhập để xoay xở sau khi mất việc, tìm nghề khác, việc làm khác để trở lại thị trường lao động.

Chi An