Sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển địa phương

Linh hoạt trong hoạt động nhằm đạt hiệu quả

- Thứ Năm, 05/09/2019, 07:58 - Chia sẻ
Thực tế, các công trình kết cấu hạ tầng chủ đầu tư là cơ quan hành chính Nhà nước chủ yếu là các công trình công cộng hoặc mang tính phục vụ công cộng. Đa số doanh nghiệp “ít mặn mà” đưa vốn ra đầu tư vì sinh lời trong sản xuất kinh doanh thấp. Trong điều kiện như vậy, Quỹ Đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thi công dự án đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ đem lại nhiều lợi thế. Vì vậy, rất cần cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để địa phương sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển hoạt động linh hoạt chức năng, nhiệm vụ nhằm đạt hiệu quả.

Khó bảo đảm đủ điều kiện được vay

Điều 11, 12 Nghị định 138/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối tượng cho vay đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND cấp tỉnh thông qua (nay Nghị định 37/2013/NĐ-CP quy định UBND tỉnh ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của HĐND cấp tỉnh) và chỉ cho vay khi chủ đầu tư bảo đảm có đủ 4 điều kiện. Trong đó, phải có phương án sản xuất kinh doanh có lãi và phương án bảo đảm trả được nợ; chủ đầu tư là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Do vậy, có ý kiến hiểu và chỉ đạo: Chỉ có chủ đầu tư đáp ứng đủ 4 điều kiện có dự án như Chính phủ quy định mới được vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển. Đơn vị (doanh nghiệp) thi công dự án đó không được vay.


Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp

Thực tế, có địa phương, nhiều dự án thuộc đối tượng cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển nhưng chủ đầu tư dự án là cơ quan hành chính nhà nước; không được phép kinh doanh (không thể có phương án sản xuất kinh doanh có lãi) nên không đủ 4 điều kiện Chính phủ quy định, Quỹ không thể cho vay vốn. Nhiều dự án được quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn vốn khác; được tổ chức đấu thầu công khai, được tạm ứng một khoản kinh phí từ nguồn ngân sách khi thực hiện dự án và được chi trả theo khối lượng nghiệm thu hoàn thành theo quy định của luật đầu tư công và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hàng năm, một số dự án được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thuộc nhóm c, số vốn đầu tư không lớn, trong đó có từ nguồn ngân sách, thời gian thực hiện từ 1 - 3 năm bằng nguồn ngân sách của những năm đó.

Tuy nhiên, để đồng loạt các dự án thi công ngay từ tháng đầu, quý I đầu năm phân bổ ngân sách thực hiện dự án là khó khả thi. Vì nguồn ngân sách địa phương thu theo kế hoạch, có khoản thu đến cuối năm mới có (tức là có dự án nguồn vốn phân bổ đầu tư ngay từ đầu năm nhưng phải đến quý III, IV mới có nguồn ứng và chi trả đơn vị thi công).

Mặc dù, theo quy định doanh nghiệp trúng thầu phải bảo đảm năng lực, trong đó có năng lực về vốn có thể ứng trước, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp luôn bảo đảm ở mọi lúc mọi nơi và nhu cầu của doanh nghiệp nhìn chung luôn cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh; luôn tìm đến tổ chức tín dụng có thủ tục vay nhanh, gọn và lãi suất thấp nhất. Các dự án này doanh nghiệp thi công thực hiện mục tiêu, định hướng của tỉnh cần vốn đẩy nhanh tiến độ không được vay. Trong khi đó, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có vốn hình thành từ nguồn ngân sách địa phương tỉnh để đầu tư tài chính không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân, mọi thành phần kinh tế đầu tư theo mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng sử dụng đạt thấp, trên dưới 50% do đối tượng cho vay bị bó hẹp. 

Tạo điều kiện sử dụng quỹ linh hoạt

Theo quy định, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có đối tượng cho vay là các dự án và “chỉ cho vay khi” chủ đầu tư đáp ứng đủ 4 điều kiện (tức là Chủ đầu tư bảo đảm 4 điều kiện là dự án đó được vay vốn tại quỹ); Nghị định 138/2007/NĐ-CP của Chính phủ không quy định Quỹ chỉ cho chủ đầu tư dự án vay. Và nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là tổ chức, cá nhân được phép làm những gì pháp luật không cấm; Nhà nước được phép làm những gì pháp luật quy định. Quỹ là một tổ chức tài chính, không thuộc cơ quan trong hệ thống hành chính ở địa phương. Vì vậy, Quỹ có thể cho đơn vị thi công vay vốn thực hiện dự án mà chủ đầu tư bảo đảm đủ 4 điều kiện, tiêu chuẩn tại điều 11, 12 Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực tế, các công trình kết cấu hạ tầng chủ đầu tư là cơ quan hành chính nhà nước chủ yếu là các công trình công cộng hoặc mang tính phục vụ công cộng như: Đường, trường, trạm, điện, xử lý môi trường, công viên, khu văn hóa, vui chơi công cộng… Đa số doanh nghiệp “ít mặn mà” đưa vốn ra đầu tư vì sinh lời trong sản xuất kinh doanh thấp. Trong điều kiện như vậy, Quỹ Đầu tư phát triển hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thi công dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vừa là thể hiện sự vận dụng quy định của Chính phủ vào tình hình thực tế của địa phương; vừa đưa được vốn của Quỹ vào hoạt động trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, không phải để vốn nhàn rỗi trong tổ chức tín dụng; vừa giúp doanh nghiệp, đơn vị thi công giảm bớt áp lực về nhu cầu vốn, giảm được sức ép về lãi suất vay vốn; giúp Quỹ cho vay đầu tư bảo toàn vốn (vì công trình đầu tư có nguồn chi trả từ ngân sách địa phương); lợi nhuận của doanh nghiệp từ dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được quay một phần về Quỹ đầu tư phát triển.

Đối với chính quyền địa phương, sử dụng được nguồn Quỹ đầu tư phát triển để doanh nghiệp đầu tư, khởi công công trình kết cấu hạ tầng ngay từ ngày đầu, tháng đầu trong năm trong thời gian ngân sách chưa thu được nguồn vốn; giảm áp lực bố trí vốn đầu tư từ đầu năm.  

Với những lợi thế đó, rất cần cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để địa phương sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển hoạt động linh hoạt chức năng, nhiệm vụ nhằm đạt hiệu quả.

Văn Đức Sơn - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc