Liên kết nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm

- Thứ Ba, 06/08/2019, 16:52 - Chia sẻ
Nhóm hợp tác gồm 8 thành viên do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông làm thành viên đứng đầu đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa vào sử dụng 8 loại đèn LED chuyên dụng chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), phục vụ 6 lĩnh vực chiếu sáng khác nhau gồm nuôi cấy mô, trồng rau sạch, nuôi tảo, chiếu sáng ra hoa cây thanh long, chiếu sáng ra hoa cây hoa cúc và chiếu sáng chuyên dụng cho ngư nghiệp (đèn đánh bắt cá, đèn sinh hoạt, đèn cabin).

Kết quả đó minh chứng rõ nét cho hiệu quả từ việc liên minh, liên kết trong nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, phát triển NNCNC ở nước ta. Đây là kết quả của tiểu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam” thuộc Dự án FIRST, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đầu tư.

Nhu cầu lớn về chiếu sáng nhân tạo

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã và đang nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước. Ngày 12.12.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Tháng 3.2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại 100 nghìn tỷ đồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch. Tính đến hết tháng 6.2018, cả nước có 35 khu NNCNC do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập.


Các loại LED khác nhau được bố trí trên cánh đồng trồng thanh long

Theo ông Dương Đức Duy, Trung tâm R&D chiếu sáng, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Thư ký tiểu dự án, Việt Nam đang tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và xuất khẩu trong bối cảnh đất nước hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm đang rất được chú trọng.

Ông Dương Đức Duy cho biết, trong cây trồng, chúng ta mới chú ý đến giống cây trồng, phân bón, tưới tiêu, nhưng ánh sáng cũng vô cùng quan trọng. Hiện chỉ tính riêng diện tích Thanh long chúng ta có trên 30.000ha, mỗi hecta cần trung bình 1.400 bóng đèn cho thanh long (1.000÷1.800 đèn/ha), số đèn luân chuyển 3 đợt trái vụ cần tới 14 triệu đèn. Chưa kể các loại hoa, rau khác, chỉ tính với 3.000ha trồng hoa cúc, số đèn thắp cho hoa cúc tới 1.200 đèn/ha, tổng số nhu cầu tới 3,6 triệu đèn. Với 500 phòng nuôi cấy mô, tính trung bình mỗi phòng 15 giá, số đèn dùng trong nuôi cấy mô khoảng 100.000 đèn.

Trong khai thác hải sản, có tới 32% sử dụng phương thức đánh bắt cá kết hợp ánh sáng để thu hút cá. Nghiên cứu phổ ánh sáng, phân bố ánh sáng phù hợp với trường nhìn và cấu tạo mắt cá, phù hợp với tập tính đàn cá trong vùng sáng… cần những nghiên cứu khoa học giúp ngư dân nâng cao năng suất và hiệu quả trong khai thác thủy sản. Hiện chỉ tính 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ trong tổng số 132.000 tàu đánh cá hiện nay, mỗi tàu bình quân sử dụng 50 - 100 đèn chiếu mạn (đèn metal halide 500÷1.000W), số đèn sử dụng đã tới 1.250.000 đèn.

Hơn nữa, các sản phẩm nguồn sáng truyền thống hiện nay (đèn dây tóc, đèn huỳnh quang, đèn huỳnh quang compact, đèn metal halide...) sử dụng trong nông nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng và chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất (điện chiếu sáng trong nuôi cấy mô chiếm 35% giá thành cây giống, dầu thắp sáng đèn dụ cá trong khai thác thủy sản chiếm 65% lượng dầu mỗi chuyến).

Xuất phát từ thực tiễn nói trên và mong muốn đón đầu hai xu hướng chất lượng LED tiến bộ nhanh, giá thành giảm, nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao của sản phẩm nông nghiệp, Nhóm Hợp tác đã xây dựng đề xuất tiểu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo Nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam”. Tiểu dự án thuộc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” – FIRST, là Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới do Bộ KH-CN là chủ đầu tư và là chủ Dự án.

Nhóm Hợp tác gồm 8 thành viên: Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (thành viên đứng đầu), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Cần Thơ; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Công ty CP Sản xuất Điện tử Thành Long; Công ty CP Xuất nhập khẩu Hòa An; Công ty CP Bao bì và In Nông nghiệp; Công ty TNHH Trần Thành. Nhóm Hợp tác hướng đến mục tiêu tạo được sản phẩm LED chuyên dụng chiếu sáng nhân tạo NNCNC quy mô công nghiệp, phù hợp với trình độ và điều kiện nông nghiệp Việt Nam kèm theo quy trình sinh học sử dụng phù hợp với một số đối tượng, góp phần hiện đại hóa, tái cấu trúc nông nghiệp.


Đèn chiếu sáng nông nghiệp.

Liên kết nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm

Tại hội thảo tổng kết tiểu dự án mới đây, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, Trưởng ban Ban Điều hành tiểu dự án cho biết, từ tháng 11.2016 đến tháng 6.2019, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công 8 loại đèn LED chuyên dụng chiếu sáng NNCNC, phục vụ 6 lĩnh vực chiếu sáng khác nhau, gồm đèn chiếu sáng chuyên dụng cho: nuôi cấy mô; trồng rau sạch; nuôi tảo; chiếu sáng ra hoa cây thanh long; chiếu sáng ra hoa cây hoa cúc; ngư nghiệp (đèn đánh bắt cá, đèn sinh hoạt, đèn cabin). Các sản phẩm đều đã được kiểm chứng chất lượng của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1) với 13-19 chỉ tiêu liên quan/sản phẩm. Đặc biệt khi lắp thử nghiệm, trình diễn đã được người nông dân, ngư dân đánh giá cao và rất hưởng ứng, đều có những phản hồi tốt.

Anh Nguyễn Hữu Yên - một trong những hộ có nghề trồng hoa lâu đời tại Tây Tựu (Hà Nội) hiện đang thử nghiệm sử dụng sản phẩm bóng đèn chuyên dụng cho việc trồng hoa cúc của gia đình chia sẻ, sản phẩm dùng rất tốt, hiệu quả vượt trội so với các sản phẩm chiếu sáng thông thường khác mà lượng điện năng tiêu thụ chỉ còn bằng 1/3 so với những hộ khác đang dùng loại bóng đèn sợi đốt cũ.

Cung cấp thêm thông tin, PGS.TS Lê Văn Bé, Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Nhóm Hợp tác cho biết, chi phí điện để xông kích thích ra hoa cho cây thanh long của bóng đèn tròn 60W ước tính 20 triệu đồng/ha/lần, nhưng khi sử dụng bóng đèn LED thay thế sẽ giảm được tới 80% chi phí.

Được biết, chỉ trong một thời gian ngắn (đến 30/06/2019), ngư dân đã tự bỏ kinh phí mua 47.492 sản phẩm trang bị cho tàu cá trên tổng số 119,6 ngàn sản phẩm đã thương mại hóa là minh chứng thực tế thuyết phục nhất về tính đáp ứng nhu cầu bức thiết của ngư dân trong khai thác hải sản. Trên thực tế số lượng sản phẩm đèn LED chuyên dụng cho một số lĩnh vực như: đèn LED cho thanh long, 03 loại đèn LED cho Thuỷ sản đã được thương mại hóa từ tháng 3/2018 với số lượng vượt so với đăng ký ban đầu. Doanh thu khi dự án kết thúc (tháng 6/2019) đạt 18,454 tỷ đồng tổng sản lượng 119,6 ngàn sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng NNCNC.

Sự hỗ trợ của Nhà nước - Dự án FIRST có vai trò “Bà đỡ” cho việc hình thành mô hình liên minh KH&CN, chuỗi liên kết từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ; gắn kết giữa các nhà khoa học đứng đầu các chuyên ngành của Việt Nam về vật lý, vật liệu, sinh học và khai thác thủy sản để giải quyết những vấn đề liên ngành;… Ngoài việc làm chủ trong thiết kế, sản xuất và nội địa hóa, kiểm tra đánh giá IQC, PQC, OQC 8 loại sản phẩm LED chuyên dụng, hiệu quả cơ bản và lâu dài của Dự án là đã góp phần xây dựng một chuỗi liên minh, liên kết trong phát triển sản phẩm LED của Việt Nam. Liên minh trong nhóm Hợp tác Rạng Đông sẽ còn tiếp tục duy trì sau khi hoàn thành tiểu dự án, khai thác phát triển các kết quả đạt được cũng như tiếp tục giải quyết tiếp các vấn đề phát triển nhiều chủng loại sản phẩm chiếu sáng rắn (SSL) khác, tạo ra sản phẩm, quy trình mới cung cấp cho thị trường, phục vụ thiết thực sự nghiệp tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, ông Thăng chia sẻ.

Ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST cho biết, mục tiêu dài hạn của Dự án FIRST là hỗ trợ cho hệ thống đổi mới sáng tạo hiệu quả, giải quyết điểm nghẽn giữa sáng tạo của nhà khoa học với mong muốn đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tiểu dự án do Nhóm Hợp tác Rạng Đông thực hiện là một trong những tiểu dự án tham gia tiên phong từ vòng đầu tiên của Dự án FIRST. Kết quả của tiểu dự án cũng là minh chứng rõ nét của việc thí điểm chính sách của Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN trong liên kết, hợp tác đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN giữa 4 nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông.

Trong bối cảnh hiện nay, với sự dịch chuyển về chính sách, doanh nghiệp được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, việc đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên