Liên kết để tăng trưởng bền vững

- Thứ Năm, 03/10/2019, 07:43 - Chia sẻ
Phát triển thủy sản theo hướng bền vững nghĩa là phát triển hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng vùng biển.

Nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân

Biển Đà Nẵng có trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước; có trên 670 loài động thực vật sinh sống có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, thành phố có hơn 1 nghìn hecta mặt nước với nhiều ao hồ, vịnh biển, thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ. Đây là lợi thế cho việc khai thác và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của thành phố.
Để ngành thủy sản phát triển được bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ, thay đổi quan trọng nhất chính là từ nhận thức của người dân. Mỗi ngư dân Đà Nẵng là một cột mốc chủ quyền, một hướng dẫn viên, một kinh tế viên, vì vậy việc thay đổi nhận thức, tạo được sự đồng lòng trong nhân dân chính là chuyển biến cốt lõi mà mỗi ngành đều hướng tới.

Nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản, các cấp ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tăng cường tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế biển, xây dựng chương trình tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú, thiết thực. Qua triển khai đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng được 4 tổ đội khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản, đến nay, không có tình trạng tàu cá của ngư dân thành phố Đà Nẵng vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Thủy sản phát triển đạt ra nhu cầu về nhân lực ngành, thực tiễn cho thấy lực lượng lao động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản vừa thừa và cũng vừa thiếu, thiếu là thiếu những kỹ thuật giỏi có tay nghề cao trong nuôi trồng, thiếu thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên có tay nghề cao để giải quyết mọi vấn đề khi sự cố xảy ra trong những chuyến đánh bắt thủy sản xa bờ, dài ngày. Vì vậy để nâng cao trình độ người lao động trong ngành nuôi, đánh bắt hải sản, Đà Nẵng đã mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn giúp cho người lao động luôn nắm bắt được những kỹ năng cơ bản thích nghi với môi trường làm việc, tạo một nguồn nhân lực có tay nghề trong đánh bắt hải sản, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.


Khai thác đi đôi với bảo vệ mang lại nguồn lợi thủy sản bền vững cho người dân

Ứng dụng CNTT trong khai thác

Cùng với các chính sách hỗ trợ, trong những năm qua, ngư dân Đà Nẵng đã được chuyển giao, đầu tư, trang bị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân. Các công nghệ mới như: máy dò ngang, máy thu câu, máy nhận dạng tự động (AIS), máy thông tin liên lạc tầm xa, công nghệ bảo quản sản phẩm mới, máy định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động; Máy dò cá, định vị, hải đồ màu tích hợp nhận dạng tự động;… đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Mạng lưới thông tin trên biển ngày càng phát triển, thông tin liên lạc giữa tàu với tàu và giữa tàu với đất liền được thông suốt giúp hỗ trợ sản xuất, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế biển kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển.

Trong quá trình khai thác các mô hình tổ, đội được hình thành đã có sự liên kết, hỗ trợ nhau bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, được ngư dân đồng tình hưởng ứng. Sản lượng khai thác cá chọn (chủ yếu là cá ngừ, dũa, chuồn, cờ, nục) chiếm tỷ trọng cao và có xu hướng tăng dần qua các năm; cơ cấu nghề khai thác tại thành phố Đà Nẵng có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực, giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), nghề khai thác có tính rủi ro cao (câu mực), chuyển đổi sang các nghề khai thác có hiệu quả kinh tế, như chụp mực, rê 3 lớp, câu cá, lồng bẫy; khai thác vùng lộng và vùng khơi, tăng thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2010 đến nay, UBND Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các mô hình khuyến ngư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gần 4 tỷ đồng với 99 hộ tham gia mô hình, trong đó hỗ trợ bảo quản sản phẩm cho 41 hộ với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng các thiết bị hàng hải khai thác (thiết bị máy dò ngang, thiết bị nhận dạng, thiết bị nhận dạng kết hợp dò cá, máy tời thu câu, thiết bị đèn Led…) cho 32 hộ với số tiền hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề (lưới rê hỗn hợp, chụp mực bốn tăng gong, nghề lồng bẫy, nghề rê cá chim, lưới vây cải tiến, nghề câu vàng…) cho 26 hộ với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Bảo vệ nguồn lợi để khai thác bền vững

Từ năm 2018, lực lượng chức năng Đà Nẵng đã tuyên truyền cho ngư dân khai thác, bảo vệ nguồn hải sản, lực lượng này cũng phối hợp tuần tra trên biển, kiểm tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó nhiều ngư dân vi phạm nhiều lần. Mặc dù tàu có công suất nhỏ tại Đà Nẵng đã giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao tạo áp lực cho nguồn lực thủy sản ven bờ. Nhằm hạn chế cách khai thác tận diệt, Đà Nẵng đã quy hoạch các vùng cấm khai thác, công bố danh mục các loại nghề cấm, đối tượng cấm khai thác. Tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm quản lý dựa vào cộng đồng, xem xét việc giao quyền quản lý các vùng nước gần bờ cho cộng đồng ngư dân ven biển nhằm hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt, từng bước phát triển những nghề có chọn lọc, kết hợp làm dịch vụ, du lịch…

Đẩy nhanh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tiềm năng nguồn lợi và tài nguyên thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng xả thải tùy tiện tại cảng cá và các cơ sở nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường.

Những năm qua, năng lực khai thác hải sản của thành phố đã phát triển theo chiều sâu và tạo bước đột phá. Chính phủ cũng xác định thành phố Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Hoàng Sa, trong đó, ngành thủy sản được ưu tiên đầu tư ở vị trí thứ 3 trong 6 ngành kinh tế biển của thành phố. Với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng... Đà Nẵng là một trong những đơn vị đi đầu góp phần hoàn thành mục tiêu chung của cả nước.

Minh Anh