Lịch sử và văn hóa của Nghị viện New Zealand : Lịch sử Nghị viện: xung đột và phát triển

- Thứ Sáu, 18/02/2011, 07:43 - Chia sẻ
Ngày 24.5.1854, 21 phát đại bác rền vang đã chào mừng Nghị viện đầu tiên của New Zealand được thành lập ở Auckland. Khói súng vừa tan, các thành viên đầu tiên của Nghị viện đã tuyên thệ nhậm chức, đưa tới bầu không khí tưng bừng khi New Zealand vừa có bước đi quan trọng trong lịch sử của mình.

New Zealand nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, gồm 2 đảo chính: Bắc và Nam. Nhìn lại lịch sử, khoảng năm 1300, người châu Á từ phía Đông đặt chân tới New Zealand và trở thành những thổ dân đầu tiên ở đất nước này - nay gọi là người Maori. Năm 1769, nước Anh mới biết tới New Zealand nhờ chuyến thám hiểm của thuyền trưởng Jame Cook. Kể từ đó, cuộc đấu tranh dai dẳng của người bản địa Maori với người Anh đến định cư diễn ra gần một thế kỷ.

Cuối cùng, hai bên đã thỏa hiệp và ký Hiệp định Waitangi ngày 6.2.1840, theo đó người Maori công nhận việc Hoàng gia Anh bảo hộ New Zealand để đổi lại việc Hoàng gia Anh thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người Maori. Một chính phủ đại diện cho thuộc địa được thành lập vào năm 1852 khi Vương quốc Anh thông qua Đạo luật Hiến pháp New Zealand 1852 và Nghị viện đầu tiên của New Zealand ra đời 2 năm sau đó. Giải quyết suôn sẻ mọi vấn đề trong lãnh thổ, năm 1947 New Zealand trở thành một quốc gia Thịnh vượng chung độc lập (theo Đạo luật Westminster 1931) mặc dù trên thực tế ảnh hưởng của người Anh lên việc điều hành New Zealand vẫn tồn tại một thời gian dài sau đó.

Khởi đầu khó khăn ở Auckland

Phiên khai mạc Nghị viện New Zealand đầu tiên diễn ra ngày 27.5.1854 trong một toà nhà chật hẹp ở ngoại ô Auckland. Toà nhà này thậm chí thiếu cả các cơ sở vật chất cơ bản nhất và được đặt tên là “Shedifice”.


Bưu thiếp vẽ khuôn viên và khu ngoại vi của Nghị viện ngày nay

Theo tiến trình, một Chính phủ điều hành được rút ra từ Nghị viện phải chờ sự chuyển giao từ vị Toàn quyền trong việc lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, vị Toàn quyền này sẽ không thể bàn giao quyền lực nếu không có lệnh từ nước Anh. Vì vậy, quá trình chờ đợi này cũng phải mất 2 năm và một số cuộc tranh luận đáng kể trong Nghị viện trước khi vấn đề được giải quyết.
Cuối cùng, năm 1856, Nghị viện đã có thể hình thành một Chính phủ phù hợp với sự ủng hộ của đa số trong Hạ viện hay còn gọi là Viện Dân biểu. New Zealand bắt đầu cuộc hành trình của nó hướng tới điều hành toàn bộ đất nước.

Lúc này, vấn đề trụ sở Nghị viện lại nổi lên. Nhiều thành viên của Nghị viện đã phải đi thuyền tới Auckland từ các vùng khác của đất nước. Thậm chí, đối với những ông nghị đến từ miền Nam xa xôi, thì hành trình này có khi phải mất vài tháng. Vì vậy, các thành viên của Nghị viện đã bàn đến việc di chuyển trụ sở vào một vị trí trung tâm hơn.

Năm 1865, Nghị viện đã chuyển đến Wellington sau 10 năm tranh luận giữa các tỉnh về nơi mà nó nên được đặt ở đó. Những tòa nhà ở Auckland cũ đã được phân cho Đại học Auckland trong thập niên 1890 và bị phá bỏ vào năm 1919.

Từ 1854 đến 1951

Nghị viện New Zealand bao gồm Thống đốc (được gọi là Toàn quyền từ năm 1917); Hạ viện (Viện Dân biểu); Hội đồng Lập pháp. Và Chính phủ đã được thành lập với sự ủng hộ của đa số trong Hạ viện. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng được xem là giai đoạn có nhiều xung đột lớn:

Từ năm 1854 cho đến giữa năm 1890, Chính phủ và Toàn quyền đã trải qua một mối quan hệ khó khăn trong việc điều hành đất nước. Hơn một lần, nước Anh can thiệp để hạn chế quyền hạn của vị Toàn quyền ở New Zealand. Trong những năm 1890, Chính phủ đã xung đột với vị Toàn quyền trong việc bổ nhiệm Hội đồng Lập pháp. Sau bất đồng này, vai trò của Toàn quyền chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng.

Một xung đột khác không thể không đề cập trong quá trình hình thành và phát triển của Nghị viện New Zealand là giữa Hội đồng Lập pháp với Hạ viện. Hội đồng Lập pháp có ý định giới thiệu những luật riêng của mình và cũng nhằm kiềm chế việc Hạ viện thông qua luật quá nhanh. Khi Hội đồng này nỗ lực để có một vai trò tích cực hơn vào giữa những năm 1860, thì nó lại gặp sự phản ứng của Hạ viện. Kết quả là sau đó, Hội đồng này thường chỉ sửa đổi những luật do Hạ viện gửi đến mà thôi. Đến năm 1951, Hội đồng này đã bị bãi bỏ và Nghị viện đã được định hình là Nghị viện đơn viện như hiện nay.

Từ 1951 đến nay

Nghị viện New Zealand đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như những thành viên đầu tiên của Nghị viện chủ yếu là những nông dân hay luật sư sinh ra ở Anh và những phiên họp của Nghị viện chỉ được tổ chức vào mùa đông, khi các trang trại và công việc của họ nông nhàn, thì giai đoạn này đã thay đổi. Khi dân số của New Zealand tăng lên thì Nghị viện cũng phát triển. Hạ viện đầu tiên chỉ có 37 thành viên và Hội đồng Lập pháp có 14 thành viên. Ngày nay, Hạ viện thường có 120 thành viên. Nghị viện thuở ban đầu cũng chỉ đến để họp mỗi năm vài tháng, còn bây giờ làm việc cả năm.

Nghị viện ngày nay

New Zealand là một quốc gia quân chủ lập hiến với một thể chế đại nghị. Nữ hoàng Anh Elizabeth II là Nguyên thủ quốc gia và mang tước hiệu là Nữ hoàng của New Zealand thông qua Đạo luật Tước hiệu Hoàng gia năm 1974. Bà được đại diện bởi một Toàn quyền, vốn được bổ nhiệm dựa trên sự đề cử từ Thủ tướng. Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện.

Giữ quyền lập pháp ở New Zealand, song Nghị viện cũng đóng vai trò rất lớn trong cơ quan hành pháp. Thực vậy, thành viên của Hội đồng Hành pháp phải là thành viên của Nghị viện và phần lớn trong số đó nằm trong thành phần Nội các. Nội các là cơ quan đưa ra những chính sách quan trọng, do Thủ tướng lãnh đạo. Thủ tướng là người được chọn ra từ những người đứng đầu đảng cầm quyền hay liên minh giữa các đảng nắm đa số trong Nghị viện. Đây là cơ chế quyền lực cao nhất của chính phủ.

Mặc dù Toàn quyền có tên trong Hội đồng Hành pháp, có đặc quyền của Hoàng gia, như quyền chỉ định và bãi nhiệm Thủ tướng và giải tán Nghị viện, thậm chí là quyền dự phòng, nhưng theo các thỏa ước hiến pháp, Toàn quyền “hoạt động dựa vào lời khuyên của các Bộ trưởng giành được nhiều sự ủng hộ trong Nghị viện”. Nói tóm lại, Nữ hoàng và Toàn quyền không thể thực thi quyền lực của mình một cách bình thường nếu không được nội các tham vấn, ngoại trừ các trường hợp mà chính phủ không còn nội các hoặc nội các bị mất sự tín nhiệm của Nghị viện.