Lệnh đình chiến đúng lúc

- Thứ Bảy, 07/03/2020, 09:26 - Chia sẻ
Hôm qua, 6.3, lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria đã chính thức có hiệu lực, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thân chinh tới Điện Kremlin để đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin một thỏa thuận chung nhằm giải quyết diễn biến căng thẳng liên quan cuộc xung đột ở Syria.

Ba nội dung quan trọng

Cụ thể, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính:  Chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6.3; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra “hành lang an toàn” trải dài 6km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15.3. Được biết, cao tốc M-4 nối thành phố Saraqeb ở phía đông Idlib với thành phố lớn thứ 4 Syria là Latakia, trong khi M-5, cao tốc dài nhất đất nước nối thành phố Aleppo với Thủ đô Damascus và tiếp tục kéo dài xuống phía nam tới biên giới Jordan.

Thỏa thuận mới nhấn mạnh vào cam kết của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết, Ankara có quyền đáp trả mọi cuộc tấn công của Damacus trong khu vực, dù sẽ tham vấn Nga trước. Ngoài ra, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhất trí tạo điều kiện cho người tỵ nạn trở lại miền Bắc Syria. Ước tính có hơn 900.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ngoài vấn đề Idlib, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận về việc phát triển quan hệ song phương. Tổng thống Erdogan đã mời Tổng thống Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Moscow trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Thực ra, quan hệ Nga - Thổ khá chặt chẽ. Nga thực sự rất coi trọng vai trò cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai chính sách ở Trung Đông, nhất là khi xứ sở Bạch Dương muốn khôi phục vị trí siêu cường. Ngược lại, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga giữ vai trò cần thiết để tái cân bằng quan hệ với phương Tây. Cả hai đều nhận thức rằng, nếu xây dựng được mối quan hệ tốt với nhau trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến quân sự… họ có thể tạo đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt ở Trung Đông, từ đó nâng cao vị thế và vai trò của từng nước. Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, Moscow và Ankara đang theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng: Sẵn sàng hợp tác, đối thoại, nỗ lực tìm kiếm điểm tương đồng, dù còn nhiều khác biệt về quan điểm và lợi ích.

Nguồn cơn căng thẳng

Thời gian vừa qua, xung đột liên tục leo thang ở Idlib, vùng lãnh thổ cuối cùng do lực lượng đối lập tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát, đã làm quan hệ Nga - Thổ trở nên khó khăn. Để hiểu rõ nguyên nhân chính dẫn đến những căng thẳng này, người ta phải lần ngược trở lại lịch sử. Còn nhớ, ngay từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu nổ ra vào 9 năm trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những quan điểm trái ngược hoàn toàn. Nga ủng hộ Chính phủ Syria còn Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ảrập lại ủng hộ lực lượng đối lập, muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Với sự ủng hộ của Nga, quân đội của Tổng thống Assad đến nay đã giành lại được đến 70% diện tích đất nước và giành lợi thế tuyệt đối trên mọi chiến trường. Có thể nói, giờ đây, cuộc chiến cuối cùng tại quốc gia Trung Đông này chỉ còn nằm trong tay hai phe đối địch chính là quân đội Chính phủ Syria và lực lượng đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Mặc dù Moscow và Ankara đã có nhiều cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến bằng tiến trình chính trị, nhưng họ vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề một cách dứt điểm. Ngày 9.10 năm ngoái, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch tấn công trên bộ có tên “Mùa Xuân hòa bình” nhằm vào các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria với mục tiêu “ngăn chặn hình thành một hành lang khủng bố dọc biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đem lại hòa bình cho khu vực”, theo tuyên bố của Tổng thống Erdogan. Thực tế, Ankara luôn coi lực lượng người Kurd ở Syria là nhánh mở rộng của đảng Công nhân người Kurd, vốn bị nước này coi là một nhóm khủng bố. Tuy nhiên, chiến dịch đó đã không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kể cả Mỹ.

Đến ngày 23.10.2019, sau một cuộc hội đàm kéo dài tới 6 tiếng tại thành phố Sochi, Nga, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Receo Tayyip Erdogan đã ký Tuyên bố chung về tình hình Syria, động thái được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp tái định hình cục diện chiến sự tại đây. Theo Tuyên bố chung, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí triển khai các lực lượng Nga và Syria tại khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch quân sự.

Trước đó, tháng 9.2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí thiết lập khu phi quân sự rộng 15 - 10km dọc đường tiếp xúc giữa quân đội Chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy xung quanh tỉnh Idlib. Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Bashar al-Assad lúc đó chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào Idlib. Theo thỏa thuận, lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra trên khu phi quân sự này nhằm ngăn chặn sự khiêu khích từ bên thứ ba, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường các trạm quan sát trong khu vực phi quân sự. Ngoài ra, Ankara cam kết loại bỏ các nhóm khủng bố ra khỏi lực lượng vũ trang đối lập ôn hòa trong thời hạn cuối năm 2018, đổi lấy việc Moscow bảo đảm quân đội Syria không dùng quân sự thu hồi Idlib, tiến tới một giải pháp chính trị nhằm thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, đến tháng 12 năm ngoái, quân đội Chính phủ Syria đã mở chiến dịch giải phóng Idlib và từ đó tới nay họ đã không ít lần đụng độ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú tại khu vực. Tính đến ngày 5.3, 57 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ở Idlib. Hôm 1.3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ còn phát động chiến dịch “Lá chắn mùa Xuân” nhằm ngăn chặn các đợt tiến công của quân đội Syria tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn quân đội Syria giành lợi thế, làm lung lay chỗ đứng của Ankara ở Idlib, cũng như muốn tránh làn sóng người tỵ nạn đổ về biên giới phía nam của mình. Tuy nhiên, những động thái trên chỉ càng làm căng thẳng leo thang.

Vì vậy, phản ứng trước lệnh ngừng bắn vừa đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ hy vọng, nó sẽ giúp “chấm dứt thù địch ngay lập tức và lâu dài”. 

Linh Anh tổng hợp