Lênh đênh xa bến (Phần 2) <br><i>Truyện của</i> Trần Thanh Cảnh

- Thứ Ba, 13/01/2015, 09:03 - Chia sẻ

>> Lênh đênh xa bến (Phần 1)

>> Lênh đênh xa bến (Phần 3)

Cách Long Sơn ba mươi ki lô mét, phải vượt qua một cái đèo khá cao. Chỉ khi lên đến đỉnh đèo này, người ta mới cảm nhận được khí hậu miền cao và khung cảnh rừng núi một cách rõ rệt. Nhiệt độ ngoài trời đột ngột giảm hẳn. Khung cảnh rừng núi âm u hiển hiện. Những cánh rừng lim cổ thụ xanh đen. Những con suối chảy róc rách dưới khe. Thỉnh thoảng, một con sóc cong đuôi lao vút qua đường. Vài con chim lạ lẫm đứng ngó nghiêng trên những cành cây bên rìa. Chiếc ô tô cà khổ lấm lem bụi đỏ đi qua, quệt cả vào, rung rinh lay động, nhưng chúng cũng chả buồn nhúc nhích cặp cánh. Trước khi đi đến chân dãy Long Sơn, phải qua một cái thung lũng khá bằng phẳng và trù phú. Thung lũng An Sơn. Xe khách sẽ đổ bạn xuống đấy. Muốn vào Long Sơn, chỉ còn mỗi cách đi bộ. Từ trung tâm thung lũng An Sơn, đi vào điểm chân núi cao nhất của dãy Long Sơn khoảng ba mươi cây số đường rừng. Đỉnh Mã Tử huyền thoại chính là ở đây.

 Như lời anh Vũ kể, ngay cả dân sinh sống lâu đời quanh phía tây dãy Long Sơn cũng rất ít người dám nghĩ đến việc leo lên đỉnh cao nhất. Rất hiểm trở. Nhiều chỗ vách đá hầu như dựng ngược. Khắp các làng bản quanh vùng chân núi vẫn âm thầm lan truyền một tin đồn là trên đỉnh Mã Tử, trong một cái hang sâu thẳm, có một vật cực kỳ quý giá của đức Vua Phật ngày xưa để lại đấy làm đồ quốc bảo. Trấn yểm trên đỉnh núi thiêng, giữ cho quốc thái dân an. Nhưng cánh giang hồ lục lâm thì nói, đấy là một viên đá ngọc, thiên thạch trên trời rơi xuống, rất quý. Tìm được thì cả nhà cả họ ăn mười đời không hết. Hồi bộ đội, anh Vũ rất hay la cà vào trong các bản uống rượu nên nghe được nhiều câu chuyện ly kỳ về viên ngọc trời này. Anh Vũ cũng đã từng gặp một số tay liều lĩnh đã định leo lên đỉnh Mã Tử tìm kiếm, nhưng rồi đều trở về thân tàn ma dại. Câm lặng. Thế nhưng vẫn có nhiều tay iêng hùng trong các làng bản quanh vùng, âm thầm mưu tính.

Quanh chân dãy núi Long Sơn là cả một vùng dân khá đông. Dân cư ngụ ở đây rất lạ. Không theo một quy tắc nào cả. Thích thì tụ lại với nhau thành làng bản, không thích thì mỗi nhà cắm một khoảng rừng ở riêng. Từ nhà nọ đến nhà kia có khi phải đi một quãng rừng dài. Người Kinh, người Dao, người Tày, người Nùng, Sán Dìu, Lô Lô… ở với nhau thân ái đoàn kết, không thấy phân biệt Kinh Thổ. Lễ cấp sắc của người Dao, hội mùa của dân Tày, khai hội hát lượn của người Nùng, tết nguyên đán của người Kinh… cả vùng đều rượu say la đà. Đến đâu cũng rượu. Vạt rừng nào cũng thấy người say đang ngủ ngon lành. Dân vùng ấy đặc biệt hiếu khách quý người. Vào chỗ nào cũng được đón tiếp thân tình như người nhà. Anh Vũ kể, mình chỉ đi nhỡ độ đường, rẽ vào xin hớp nước, chủ nhà lôi chai rượu ra làm vài tuần, rồi bảo, chú ngồi đây, ta bảo cháu nó bắt con gà làm rau canh cho anh em mình kin lẩu (đấy là một từ rất phổ biến ở vùng này, không phân biệt dân tộc hay Kinh, ai cũng dùng, nghĩa là uống rượu). Rượu nấu bằng sắn, men lá rừng, rất nhiều. Gà lợn, trâu bò tự nuôi cũng rất nhiều. Con đường hiểm trở ba mươi cây số trèo đèo lội suối đã giữ cho những nét hoang sơ, hồn nhiên, thuần phác của Long Sơn đến khi ấy còn nguyên vẹn. Nghe anh Vũ kể, mà tôi thấy bụng mình sôi lên ùng ục từng hồi. Đã lâu lắm tôi không được ăn một miếng thịt gà nào. Hình như tôi đã quên mất mùi vị của nó ngon ngọt ra sao.


Minh họa của Thúy Hằng
 - Nhưng ở đó, chân núi Mã Tử ấy, có một cái bản hay hơn cả. Ai đã từng qua Long Sơn mà không vào, coi như phí phạm một đời.

 - Bản gì vậy anh?

 - Bản Mền. Ngay chân đỉnh Mã Tử. Gái đẹp tuyệt. Mà lẳng nữa mới chết chứ. Tao đã tưởng không về xuôi được.

 - Hay thế sao anh không ở luôn?

 - Mày đúng là thằng học trò mặt trắng, không biết cái đinh gỉ là gì. Mày có biết đỉnh Mã Tử cách biên giới tính theo đường chim bay chưa đầy năm cây số. Thỉnh thoảng ta với Tàu vẫn lấy pháo giã nhau ùng ục.

 Anh Vũ kể, hôm có quyết định ra quân, anh vào bản Mền ngủ nhờ để hôm sau đi bộ xuống thung lũng An Sơn bắt xe về xuôi.

 Bản Mền ở chân núi Mã Tử hết sức lạ lùng, độc nhất vô nhị của cả vùng Long Sơn. Đi qua con suối đầu bản vào, ta sẽ thấy như là bước vào một ngôi làng trù phú miền xuôi. Những ngôi nhà gỗ, nhà sàn to đẹp, sạch sẽ ngồi yên tĩnh trong vườn cây ăn quả xum xuê nhãn, mít, bưởi… Tất cả những ngôi nhà ấy đều hướng mặt ra một con đường trục chính to sạch giữa làng. Cứ như một đường phố vậy. Một bản miền núi xa xăm heo hút mà lại có cách thức tổ chức sinh hoạt ăn ở văn minh đến vậy. Nhưng điều đặc biệt để cho bản Mền trở nên nổi tiếng là con gái rất đẹp. Cô nào cô ấy da trắng môi hồng, tóc đen dài óng ả. Cô nào cũng thon thả, thắt đáy lưng ong, chả ra dáng gì của người miền núi suốt ngày trèo đèo lội suối.

 Nghe dân trong vùng kể, ngày xưa, đức Vua Phật từ bỏ ngai vàng điện ngọc ở kinh thành đến sườn đông dãy Long Sơn xây chùa tu tịnh. Vua mới lên thay bèn đưa hết các cung tần mỹ nữ của vua cũ về đấy làm nhà, cày ruộng, dệt vải dưới chân núi để thờ vọng đức ngài. Đang quen sống trong nhung lụa, phải sang sống đời thôn dã, nhiều bà không chịu nổi. Và không chịu nổi cảnh cô liêu của rừng núi nữa, bèn đâm đầu xuống con suối chân núi chết. Đức Vua Phật biết tin, thương xót, ngài cho lập chùa giải oan cho các bà ấy, chùa bây giờ vẫn còn bên sườn đông. Một số nàng cung nữ còn trẻ, khỏe, không cam chịu chết, cũng không chịu sống cuộc đời héo mòn cô quạnh. Bèn băng rừng đi về phía tây. Những nàng cung nữ tràn trề khát vọng sống đã gặp những chàng trai của rừng tây Long Sơn. Và họ đã cùng nhau giao duyên, rồi sinh con đẻ cái, lập nên bản Mền. Có một quy luật tự nhiên đã được kiểm chứng là con gái thường giống mẹ. Các bà cung tần mỹ nữ của vua xưa đương nhiên là đẹp, thế nên con gái các bà ấy sinh ra ở bản Mền sau này cũng đẹp. Nhưng cũng có một quy luật mà dân gian cũng đã ngầm thừa nhận: gái đẹp thường lẳng. Mãi sau này, khi tôi đọc được một quyển sách về y sinh học, tôi mới ngẫm ra rằng điều ấy là có lý. Cái làm nên má đỏ môi hồng, tóc mây mắt ướt. Cái làm nên eo thon vú nở mông tròn, khiến cho các đấng mày râu, từ anh hùng trượng phu đến tiểu nhân đê tiện, mê đắm hết đời trai không dứt nổi, chung quy cũng chỉ từ vài milligrams cái chất nội tiết tố nữ estrogen mà ra. Đang từ một cô bé gầy khẳng khiu, một sớm kia thức dậy, một cơn lũ estrogen từ đâu sinh ra đổ ập vào huyết quản của nàng. Thế là mắt nàng long lanh lên, môi nàng thắm ra, và nàng thấy thân thể mình nở nang từng ngày. Rồi nàng nhìn cậu bạn trai thường ngày, vẫn mặc quần đùi sang nhà chơi, thấy thẹn thùng. Và rồi trái tim nàng tự dưng loạn nhịp. Nàng biết yêu. Nàng thấy cuộc đời thật là kỳ diệu. Nhưng khốn khổ (hay hạnh phúc?) cho những cô nàng xinh đẹp, cho những cô gái hậu duệ cung tần mỹ nữ xưa của bản Mền, khoa học cũng đã chứng minh, những người con gái đẹp, thường được ông giời, ông ấy ưu tiên cho hơn người chút estrogen thần kỳ. Nên mắt họ long lanh hơn. Ngực họ tràn trề hơn. Bản năng nữ của họ lúc nào cũng hiển hiện ra bên ngoài. Họ lẳng. Như dân gian gọi.

Gái bản Mền lẳng nổi tiếng vùng Long Sơn.

Đầu bản, ở cái gộp đá trên bờ suối, có một cái hang. Dân quanh vùng vẫn gọi đấy là hang đá đĩ. Là vì nhìn từ xa xa thì nó giống hệt như cái “đĩ” của đàn bà con gái. Mép hang là hai nếp đá gan gà nâu sậm khép mở rất hư tình. Cũng uốn một đường mềm mại lên trên đỉnh hang với một nếp gấp hơi nhô ra, dưới cái nếp ấy, một dòng nước trong vắt không bao giờ cạn ngày đêm chảy cong cong xuống bãi sỏi cuội phía dưới. Đấy cũng là bãi tắm ưa thích của các cô nàng trong bản. Xung quanh cửa hang, rêu dương xỉ mọc lan man thành một thảm xanh mượt như nhung. Ở gần, thì chả ai để ý nó giống cái gì. Chỉ biết là nước từ cái khe nhỏ chảy ra rất mát rất ngọt. Nhưng đứng ở xa mà ngắm, thốt nhiên người ta bỗng nghi ngờ, đây không phải là tự nhiên, mà có khi do con người sắp đặt. Đem điều nghi ngờ ấy vào hỏi dân bản, họ chỉ cười. Ai hơi đâu mà đi làm cái ấy. Mà làm làm sao được? Giời sinh ra thế nào thì vẫn vậy thôi. Núi rừng nghìn năm nay có thay đổi gì đâu.

Hồi còn tại ngũ, anh Vũ cũng đã theo bọn bạn vào bản Mền chơi ban đêm. Thấy gái bản đẹp thật. Mê quá. Nhưng chưa được xơ múi chút gì.

Hôm nhận quyết định ra quân, thanh toán, làm giấy tờ xong thì đã quá chiều. Anh Vũ khoác ba lô, rời doanh trại, rẽ vào bản Mền xin ngủ nhờ. Đã có khối trường hợp chiều nhận quyết định ra quân, tối bên kia biên giới nứng lên, nã sang vài quả pháo. Thế là báo động, cấm trại, thu hồi lại quyết định. Lính tráng về sau rút kinh nghiệm, cứ có quyết định là thằng nào thằng nấy chạy biến ra dân ngủ nhờ. Anh Vũ vào nhà ông Lửng, một nhà có quen biết dịp tiểu đội Vũ đến làm giúp đào cái ao thả cá sau vườn. Ông Lửng có nhiều con, ba trai, năm gái. Một số lấy vợ lấy chồng, một số chưa, nhưng rất hay tụ tập ăn uống rồi ngủ lại cả ngôi nhà sàn bằng gỗ rất to của ông bố. Thấy Vũ vào, ông Lửng cười, chỉ cho chỗ để ba lô, cũng sẽ là chỗ nghỉ qua đêm. Chỉ lát sau, đã thấy Thùy, con gái út ông Lửng bê một chảo gà xáo gừng thơm nức ra sàn. Thùy mới khoảng mười sáu mười bảy gì đấy, khá xinh. Bữa ăn hôm ấy có gà xáo, măng đắng luộc chấm muối ớt và canh rau cải rừng. Có lẽ đấy là bữa cơm ngon nhất đời của tao từ bé đến lúc ấy. Anh Vũ nói thế. Rượu thì khỏi phải nói. Mỗi người chúc tao một bát, may mà rượu men lá nên tao vẫn trụ được. Lúc ra đầu sàn rửa chân tay mặt mũi để đi ngủ, thì Thùy đang rửa bát ngoài ấy. Nàng nhìn tao rất lạ, rồi nói nhỏ: “Tối mẹ ngủ say rồi em ra với anh nhé”. Tao không tin vào tai mình nữa.

Đêm hôm ấy, con cái dâu rể nhà ông Lửng rượu xong rồi lại tập trung ngủ lại cả ở nhà bố mẹ cho vui. Cứ mỗi đôi ôm chăn đệm chiếm một góc sàn. Chỉ có cô út ngủ với mẹ trong buồng. Một đống lửa to được đốt giữa nhà để xua đi cái hơi lạnh của núi đá tỏa xuống. Nhưng câu chuyện râm ran, lộn xộn không đầu không cuối dần tàn theo ngọn lửa bập bùng. Rồi đến những âm thanh huê tình nóng hổi trong đêm thu nổi lên. Mới đầu còn rón rén, như có một chút gì đó ngại ngùng. Sau, cả cái nhà sàn gỗ lim cũng như chao đảo bồng bềnh trong cơn sóng tình tràn trề của những gái trai hừng hực sức sống. Những thanh âm tình tứ thăng hoa của đôi nọ như kích thích thêm cho đôi kia hăng hái dắt nhau vượt đỉnh vu sơn. Cả ngôi nhà ngập tràn thanh âm của hạnh phúc.

 - Nói thật với mày, may hôm ấy được ra quân nên tao vui, uống khá nhiều rượu nên có thể ngủ quên một lát. Không thì có thánh mới ngủ nổi. Cái nhà sàn cột bằng toàn cây lim to, sàn cũng lát ván lim dày bốn tấc mà cứ rung ầm ầm như đưa võng. Chưa từng thấy trai gái ở đâu hăng như thế. Mà mấy đôi nằm chỉ cách nhau vài bước chân, cứ vô tư hồn nhiên giã nhau thẳng cánh. Đang mơ màng trong men rượu thì tao thấy một thân thể con gái thơm nức nóng hổi trườn vào trong chăn, quấn lấy mình. Tao biết ngay là Thùy. Bởi lúc ăn cơm tối, ngồi gần, ngửi mùi tóc Thùy thơm quá, tao đã lợi dụng lúc mọi người đang mải chúc tụng nhau, ghé sang hít tóc nàng một cái và bảo, tóc em thơm quá.

Đang kể chuyện bộ đội, bỗng anh Vũ dừng lại hỏi tôi:

- Này, mày đã được nếm mùi tình ái chưa? Đã yêu em nào chưa?

- Hồi đại học, em yêu một nàng, nhưng chỉ dám nhìn, không dám cả tỏ tình.

- Thế mà cũng gọi là yêu. Bốn năm học ở đất thủ đô hoa lệ như mày phí cả đời trai đi.

- Em cũng đang thấy phí đời đây. Đời trai như em bây giờ, không công ăn việc làm, không tình yêu, phí cả công sống.

- Hồi huấn luyện tân binh ở ven sông Cầu, bọn tao bị tống lên chặt nứa làm doanh trại mãi trên mạn Na Rì. Tao bị mấy thằng lính cũ đưa vào đời dịp ấy.

 Anh Vũ ngả người nằm dài ra bãi cỏ bờ sông. Trời lúc ấy đã nhá nhem. Anh kể tiếp.

 Bọn tân binh chúng tao bị đưa lên vùng núi Bắc Cạn hai tuần liền để chặt nứa ngộ về làm doanh trại. Vùng Na Rì có giống nứa rất to, gọi là nứa ngộ. To như cây tre dưới mình nhưng dài và thẳng tắp. Chặt nứa trên đồi, bó lại thành từng bó mươi cây một, kéo xuống suối đóng thành bè, ròng theo lòng suối rồi ra đến sông Cầu, xuôi về chỗ bến Tuần là nơi gần đơn vị thì vớt lên. Chặng đường thủy từ chân rừng Na Rì về bến khá vất vả, có khi hàng tuần. Nếu gặp dịp nước suối cạn, phải tăng bo nhiều còn lâu hơn. Ở giữa chặng đường là thành phố Chè, nơi từ lính đến quan đơn vị tao chuyền tai nhau là nhất thiết phải cắm trại nghỉ lại. Qua gầm cầu bê tông, vượt ngầm bến Tượng, ghé vào vườn hoa, neo bè, lên công viên cắm trại ở vài hôm, là đời tươi roi rói. Mày không biết đâu, vườn hoa khi ấy là trung tâm tươi mát của thành phố ven sông này.

Lính tráng bọn tao, mới nhập ngũ, có ít tiền nhà cho, bị tống vào rừng chưa có dịp tiêu. Bọn sĩ quan chỉ huy nó biết, bèn rủ đi. Mới đầu tiền còn xông xênh, xong việc, bo thêm lịch sự như Pháp. Mấy hôm sau, hết tiền mà vẫn thèm, gạ mấy em gán gạo có được không? Gật. Mấy hôm sau nữa, gạo cũng hết phần dư rồi. Vẫn thèm. Mà các em cứ ra ngồi ghế đá đánh mắt mời mọc. Bọn tao mới bảo, bọn anh chả còn gì, chỉ còn nứa dưới bè có xong không? Cũng xong. Một bó nứa mươi cây là được. Nhưng mà các em bảo, chúng em không vác được. Thế là xong việc, các chú lính nghễu nghện vác mấy bó nứa ngộ về khu tập thể công nhân gần đấy. Giời ạ, mày có tưởng tượng được không - Anh Vũ như thở hắt ra một cái rồi kể tiếp - Những cô gái ăn sương bên vườn hoa toàn là công nhân các nhà máy bị thất nghiệp.

(Số sau đăng tiếp)