Lê Trọng Tấn <br>Vị tướng đức độ, mưu lược

- Thứ Tư, 24/09/2014, 08:39 - Chia sẻ
Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có nhiều cống hiến trong công tác tham mưu chiến lược, chỉ đạo xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Mai Quang Phấn khẳng định tại hội thảo Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam, diễn ra sáng 23.9.

Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1.10.1914, tại xã Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra phương hướng, phương châm, giải pháp, cách đánh độc đáo; chỉ đạo, tổ chức xây dựng ý chí, quyết tâm và thực lực cách mạng, tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù.

Vị tướng đức độ, thủy chung

Nói về phẩm cách của đại tướng Lê Trọng Tấn, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Thiếu tướng, PGs, Ts Vũ Quang Đạo cho biết: trong công tác cũng như sinh hoạt, ông luôn dĩ công vi thượng, luôn nhắc nhở cán bộ phải cảnh giác trước những cám dỗ của lợi ích vật chất và những tiêu cực trong xã hội. Những người từng gặp và làm việc dưới quyền ông đều cảm nhận thấy sự gần gũi, cởi mở, không phô trương, hình thức, lời nói đi đôi với việc làm.


Thiếu tướng Lê Trọng Tấn báo cáo tình hình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1966
Theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, Anh hùng lực lượng vũ trang, người đã trực tiếp tham gia bắt sống nội các Dương Văn Minh: nhiều tướng lĩnh đều dành những lời nói tốt đẹp, sự kính trọng khâm phục đối với Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn. Có thể nói, ông hội tụ đủ phẩm chất trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm việc với Đại tướng Lê Trọng Tấn từ đầu năm 1972 đến tháng 4 năm 1979, Trung tướng, Pgs Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu nhớ lại: đó là thời kỳ tôi từ mặt trận Tây Nguyên ra nhận nhiệm vụ Cục phó Cục Tác chiến, còn anh Tấn là Phó tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1. Anh Tấn có phẩm chất cao đẹp, tính cương trực, thẳng thắn, sống có tình nghĩa, thủy chung, rất mực thương yêu đồng đội.

Nhà quân sự mưu lược, quyết đoán

Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Lê Trọng Tấn đã được giao làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Đông. Luôn nắm vững những vấn đề cơ bản của đường lối chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Đảng, vận dụng vào thực tiễn kháng chiến, năm 1949, Đại tướng Lê Trọng Tấn được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209, tiếp đó là Đại đoàn trưởng, Phó bí thư Đảng ủy Đại đoàn 312. Các đơn vị do ông chỉ huy, trực tiếp tham gia các chiến dịch lớn, góp phần tạo nên các chiến thắng vang dội của quân đội ta ở Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954)… Trong mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, Đại tướng Lê Trọng Tấn chú trọng xây dựng tổ chức, lực lượng, đặc biệt coi trọng vai trò của người chỉ huy và xác định tiểu đội trưởng, trung đội trưởng là những hạt nhân trong chiến đấu; trận đánh có giành thắng lợi hay không trước hết là ở hành động chỉ huy và tinh thần anh dũng hy sinh chiến đấu của các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, họ thực sự là những tấm gương cho chiến sỹ noi theo - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định.

Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn được cử vào chiến trường miền Nam làm Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy quân giải phóng miền Nam. Với kiến thức, kinh nghiệm, tài năng quân sự mưu lược, quyết đoán, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã cùng quân và dân ta chứng minh ý chí, quyết tâm, khả năng đánh thắng giặc Mỹ. Ông đã đánh giá đúng quân Mỹ và quyết định đánh ngay từ lúc chúng mới đổ bộ vào miền Nam, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ lực lượng tại chỗ với các đơn vị chủ lực, tiến hành đánh nhỏ, đánh vừa kết hợp với đánh lớn của chủ lực khi có điều kiện thuận lợi. Các cơ quan tuy bám trụ nhưng không thụ động chờ địch đến đánh chủ động nắm tình hình, bung ra tìm địch mà đánh với các hình thức linh hoạt như bắn tỉa, phục kích, đánh mìn trên các đường đi của địch, tập kích vào những vị trí tạm trú của chúng…

Trong nhiều chiến dịch lớn của hai cuộc kháng chiến, Đại tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh trực tiếp chỉ huy các binh đoàn cơ động đánh vào sào huyệt kẻ thù, bắt sống bộ chỉ huy đầu não của địch. Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, PGs, Ts Trần Ngọc Long nhận định: Đại tướng Lê Trọng Tấn là người quyết đoán, biết khai thác những tiềm năng, kinh nghiệm tác chiến của chiến sỹ; luôn tâm niệm làm thế nào để đánh là chắc thắng, thắng với ít thương vong nhất, trả giá ít nhất. Đây là bài học còn nguyên giá trị về công tác chỉ đạo tham mưu chiến lược, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của quân đội ta. Ông là một người chỉ huy tài năng, cương trực, quyết đoán, một trong những tướng lĩnh Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh.

Hương Sen